ADHD Là Gì? Hội Chứng ADHD Không Phải Ai Cũng Biết

0
2055

ADHD hay rối loạn tăng động giảm chú ý là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và cả người lớn, gây ra nhiều khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Mời bạn tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ về ADHD nhé.

1. ADHD là gì?

ADHD (từ viết tắt của Attention Deficit Hyperactivity Disorder) có nghĩa là rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn sức khỏe tâm thần có thể gây ra các hành vi hiếu động và bốc đồng trên mức bình thường. Người bị ADHD có thể gặp khó khăn trong việc tập trung sự chú ý vào một nhiệm vụ duy nhất hoặc ngồi yên trong thời gian dài xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời, ADHD có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập, sinh hoạt cũng như xây dựng mối quan hệ xã hội.

adhd
ADHD gây ra các hành vi hiếu động và bốc đồng trên mức bình thường

Đây là một hội chứng về não, gây khó khăn trong việc kiểm soát những hành vi cá nhân ở trẻ em và người lớn. Khi trẻ vào độ tuổi thanh thiếu niên và ngay cả khi trưởng thành thì những vấn đề liên quan đến hội chứng ADHD vẫn có thể xảy ra.

Để chẩn đoán ADHD chính xác hơn, các nhà nghiên cứu đã chia các triệu chứng biểu hiện thành ba loại bao gồm:

1.1 Chủ yếu là không tập trung

  • Những người có loại ADHD này rất khó tập trung, khó hoàn thành công việc và khó làm theo hướng dẫn.
  • Trẻ em có triệu chứng của loại ADHD thường ít được chẩn đoán và phát hiện do chúng không có xu hướng quậy phá hay ồn ào trong lớp học. Loại ADHD này đa phần xảy ra ở những bé gái.

1.2 Chủ yếu là tăng động- bốc đồng

  • Những đối tượng có loại ADHD này chủ yếu thể hiện hành vi hiếu động và bốc đồng bao gồm cả lo lắng, ngắt lời mọi người khi nói chuyện.
  • Mặc dù sự không tập trung ít xuất hiện trên những đối tượng mắc loại ADHD này, nhưng những người mắc ADHD chủ yếu hiếu động vẫn có thể khó tập trung vào các công việc.

1.3 Kết hợp kiểu hiếu động và không tập trung

  • Đây là loại ADHD phổ biến nhất. Những đối tượng mắc loại ADHD kết hợp này hiển thị cả các triệu chứng không tập trung và hiếu động; bao gồm không có khả năng chú ý, xu hướng bốc đồng, mức độ hoạt động và năng lượng trên mức bình thường.
  • Loại ADHD mà trẻ mắc phải quyết định cách điều trị; có thể thay đổi theo thời gian; do đó phương án điều trị cũng có thể được thay đổi phù hợp.

2. Triệu chứng của hội chứng ADHD 

2.1 Triệu chứng ADHD ở trẻ em

Theo ước tính, ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc ADHD là 3,01% và đang có chiều hướng gia tăng. Không tập trung, dễ dàng phân tâm, có hành vi bốc đồng, đều là những dấu hiệu nổi bật mà bạn có thể nhận thấy ở những trẻ mắc chứng ADHD.

adhd
Trẻ em mắc ADHD thiếu kiên trì, không ngồi yên một chỗ

Trong giai đoạn phát triển, nhiều trẻ có sự khám phá vượt trội về thế giới bên ngoài so với những trẻ khác. Do đó, nhiều phụ huynh khó xác định liệu con mình có mắc hội chứng ADHD hay không. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận ra điều này thông qua các biểu hiện như:

2.1.1 Những dấu hiệu cho thấy trẻ tăng động:

  • Thiếu kiên trì, không ngồi yên một chỗ
  • Tay chân hay ngọ nguậy, hay vặn vẹo khi ngồi
  • Thường rời bỏ chỗ ngồi trong các tình huống đòi hỏi phải ngồi yên
  • Hay chạy nhảy, leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp
  • Khó tham gia những trò chơi phải di chuyển hoặc nói quá nhiều

2.1.2 Những vấn đề về tập trung chú ý

Trẻ có các vấn đề về tập trung chú ý nếu trẻ có ít nhất 6 dấu hiệu sau trong thời gian tối thiểu là 6 tháng:

  • Không thể tập trung, chú ý nhiều vào các chi tiết
  • Khó khăn trong việc duy trì khả năng chú ý trong công việc hoặc vui chơi
  • Có vẻ không lắng nghe người khác khi nói chuyện
  • Không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn thành bài tập ở trường, công việc nhà
  • Khó khăn khi thực hiện các hoạt động cần tính tổ chức
  • Né tránh, không thích hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần trong thời gian dài
  • Dễ bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài
  • Quên làm các công việc hằng ngày

2.1.3 Hành động của trẻ có tính bốc đồng

  • Nói to, cười to hoặc dễ dàng trở lên cáu kỉnh trong những tình huống không cần thiết
  • Không thể chờ đợi đến lượt mình hoặc không thể chia sẻ với ai khiến trẻ khó chơi chung với các bạn
  • Thường khó kiềm chế cảm xúc, dễ hành xử một cách nguy hiểm mà không quan tâm đến hiệu quả
  • Làm gián đoạn hoặc quấy rầy hoạt động của người khác
adhd
Trẻ em mắc ADHD sẽ hiếu động thái quá

Tuy nhiên nếu những điều này chỉ xảy ra nhất thời thì không có nghĩa là trẻ bị mắc ADHD. Giáo viên thường là người đầu tiên phát hiện ra những triệu chứng hiếu động thái quá, hay sự mất tập trung chú ý ở trẻ đầu tiên, và thông báo với cha mẹ về triệu chứng dễ bị kích thích này. Ở tuổi thanh thiếu niên, những trẻ ADHD có thể đưa ra những quyết định có ảnh hưởng không tốt với cuộc sống sau này.

2.2 Triệu chứng ADHD ở người lớn

2.2.1 Đặc điểm của người lớn bị ADHD

Hơn 60% trẻ em bị ADHD vẫn biểu hiện các triệu chứng khi trưởng thành. Các triệu chứng ADHD ở người lớn có thể không rõ ràng như các triệu chứng ADHD ở trẻ em. Ở người trưởng thành, trạng thái hiếu động có thể giảm, nhưng người bệnh vẫn đối diện với cơn bốc đồng, bồn chồn và khó chú ý.

Nhiều người lớn bị ADHD thường không biết họ mắc bệnh, họ có thể khó tập trung và sắp xếp công việc dẫn đến chậm tiến độ công việc và lãng quên các cuộc họp hoặc kế hoạch đã đặt ra. Người bị ADHD thiếu khả năng kiểm soát, biểu hiện rõ trong một số tình huống như thiếu kiên nhẫn khi lái xe hay xếp hàng dẫn đến bùng phát cơn giận dữ.

2.2.2 Triệu chứng ADHD ở người lớn

Triệu chứng của ADHD giảm đi theo tuổi tác, số khác ngược lại, tiếp tục mang các triệu chứng chính của bệnh, gây cản trở hoạt động hàng ngày. ADHD không được điều trị ở người lớn có thể có tác động tiêu cực đến cuộc sống. Các triệu chứng như khó quản lý thời gian, thiếu kiên nhẫn và hay quên.

Các triệu chứng ADHD ở người trưởng thành có thể bao gồm:

  • Tính bốc đồng
  • Thiếu khả năng tuân thủ và sắp xếp các vấn đề ưu tiên
  • Khả năng quản lý thời gian kém
  • Gặp vấn đề trong việc tập trung vào một nhiệm vụ
  • Gặp rắc rối khi được phân nhiều nhiệm vụ cùng lúc
  • Bồn chồn, năng động quá mức
  • Tổ chức kế hoạch kém
  • Khả năng chịu đựng cảm giác thất vọng thấp
  • Thay đổi tâm trạng thường xuyên
  • Gặp vấn đề trong tiến trình hoàn thành công việc
  • Nóng tính
  • Thường xuyên căng thẳng

Triệu chứng của ADHD tương tự với các biểu hiện của tình trạng lo lắng hoặc rối loạn tâm thần. Nhiều người bị ADHD cũng có các rối loạn kèm theo như trầm cảm, lo lắng, làm bệnh càng khó chẩn đoán.

ADHD chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng đủ nghiêm trọng, gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, hãy đi khám bệnh để chẩn đoán có mắc ADHD hay không.

3. Nguyên nhân của hội chứng ADHD

3.1 Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ADHD:

  • ADHD là một trong những hội chứng bệnh từ thời thơ ấu được nghiên cứu nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng gây ra hội chứng này. Những nghiên cứu mới đây mới chỉ đưa ra rằng:
  • Đây là một loại rối loạn chức năng về mặt sinh học. Trẻ mắc hội chứng này có những vấn đề liên quan đến các chất hóa học làm nhiệm vụ gửi tín hiệu đến não.
  • Các phần của não điều khiển khả năng chú ý và mức độ hoạt động bị suy giảm có liên quan đến ADHD.
  • ADHD có thể xuất hiện ở các thành viên khác trong gia đình. Đôi khi cha mẹ được chẩn đoán mắc ADHD đồng thời con cái họ cũng mắc hội chứng này.
  • Những độc tố trong môi trường có thể dẫn đến việc mắc hội chứng này nhưng rất hiếm.
  • Những tổn thương nghiêm trọng ở đầu cũng có thể gây ra ADHD (trong một vài trường hợp).

3.2 Một số lưu ý

Không có những bằng chứng chứng minh rằng ADHD là do:

  • Ăn quá nhiều đường, các chất phụ gia thực phẩm.
  • Những dị ứng với thuốc men hoặc thức ăn.
  • Sự miễn dịch, tiêm chủng.
  • ADHD xảy ra ở trẻ trai cao hơn ở gái.

3.3 Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng ADHD?

  • Phụ nữ thường xuyên hút thuốc trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng ADHD của đứa con sinh ra sau này lên đến gấp 2,4 lần.
  • Trẻ em có nồng độ chì trong máu cao thì nguy cơ mắc ADHD tăng 2,3 lần.
  • Lớn lên trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá sẽ khiến trẻ có nguy cơ mắc phải ADHD cao hơn gấp ba lần so với bình thường. Tỷ lệ đó sẽ tăng lên nữa đối với những trẻ hít khói thuốc vài giờ mỗi ngày.
adhd
Lớn lên trong môi trường có nhiều khói thuốc sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao mắc ADHD

4. Điều trị hội chứng ADHD

Các liệu pháp điều trị ADHD cho trẻ em bao gồm các liệu pháp thay đổi hành vi, thuốc hoặc cả hai.

  • Thay đổi không gian: Do khả năng tập trung của trẻ tăng động không tốt, vì vậy bạn cần hạn chế và loại bỏ những yếu tố có thể kích thích hay làm bé bị phân tâm. Bên cạnh đó, trẻ tăng động cũng không phù hợp với những nơi đông đúc hay quá nhiều tiếng ồn.
  • Sinh hoạt theo trật tự: Trẻ mắc chứng ADHD thường mất bình tĩnh khi ở trong một môi trường không rõ ràng, vì vậy cha mẹ cần có một lịch sinh hoạt cho bé.
  • Luôn dịu dàng với bé, nên khen thưởng thay vì phạt bé.
  • Áp dụng kỷ luật một cách khôn khéo.
  • Sử dụng thuốc và các phương pháp trị liệu dành cho trẻ mắc chứng ADHD. Thuốc ADHD có tác dụng tác động đến các chất trong não cho phép người bệnh kiểm soát tốt hơn các hành vi của mình.
adhd
Điều trị ADHD ở trẻ em

Điều trị cho ADHD người lớn tương tự như điều trị hội chứng này cho trẻ nhỏ. Điều trị ADHD cho người lớn bao gồm thuốc, tư vấn tâm lý (tâm lý trị liệu) và điều trị cho bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào xảy ra cùng với ADHD. Ngoài ra người bệnh cần chăm chỉ tập thể dục thường xuyên, có một chế độ ngủ đều đặn, ăn uống hợp lý, thư giãn bằng cách tập yoga hoặc ngồi thiền. Đối với người mới bắt đầu điều trị ADHD, một lối sống lành mạnh có thể giúp người bệnh kiểm soát các triệu chứng ADHD.

Kết

Nếu chẳng may bé nhà bạn mắc chứng ADHD thì bạn cũng đừng quá lo lắng; bởi chỉ cần bạn kiên nhẫn thực hiện các liệu pháp điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì hoàn toàn có thể cải thiện được tình trạng của trẻ. Đừng ngần ngại khi phải đối mặt với ADHD. Việc điều trị bệnh sớm sẽ cho bạn những kết quả tốt hơn.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về hội chứng tăng động giảm chú ý ADHD là gì cũng như biện pháp chữa trị. Lưu ý rằng bài viết chỉ có tính chất tham khảo; không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây