Trong cuộc sống, khi bạn làm bất kỳ một việc gì, điều trước tiên bạn nên nghĩ đến chính là những gì mà bạn muốn đạt được thông qua công việc đó là gì. Mục tiêu cụ thể sẽ tạo ra động lực, đồng thời giúp bạn đi đúng hướng. Nhưng bạn có biết cách đặt mục tiêu “chuẩn” chưa?
Nội dung bài viết
1. Mục tiêu là gì?
Mục tiêu là một ý tưởng của tương lai hoặc kết quả mong muốn của một người hay một nhóm người đã hình dung ra, kế hoạch và cam kết để đạt được. Có thể phân loại mục tiêu theo nhiều cách. Nếu cần 5 đến 10 năm, thậm chí lâu hơn để có thể hoàn thành, thì nó là một mục tiêu dài hạn. Còn các mục tiêu trong khoảng 2 – 5 năm là một trung hạn, dưới 2 năm có thể được xem xét như ngắn hạn.
Mục tiêu còn được hiểu nôm na là điểm mà bạn muốn đặt chân đến trong một khoảng thời gian nhất định. Dù lớn hay nhỏ, chúng đều có những ý nghĩa và đóng một vai trò nhất định trong cả tổng thể. Xác định mục tiêu là việc bạn cần làm thường xuyên và liên tục, không chỉ khi bắt đầu một công việc mới mà trong cả quá trình đó xuyên suốt, trong mỗi công đoạn bạn luôn phải để mắt đến chúng.
2. Mục tiêu có ý nghĩa gì

Ý nghĩa đầu tiên của một mục tiêu chính là nó giúp bạn xác định phương hướng để đi đến nơi bạn muốn đến. Nó giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và công sức khi mà nó giúp bạn biết rõ bạn cần làm gì trong một giai đoạn nhất định, khiến công việc mà bạn muốn làm trở nên dễ dàng đo lường và đánh giá. Không có mục tiêu bạn sẽ khó tìm ra cho mình con đường đúng, những việc bạn làm đôi khi sẽ không mang lại cho bạn ích lợi gì. Mục tiêu thường luôn luôn đi kèm với kế hoạch, trong đó thể hiện những công việc mà cách thức để thực hiện chúng để đạt được yêu cầu đề ra.
Khi bạn biết được mình nên làm gì hay mình đang “chiến đấu” vì điều gì, thì bạn sẽ làm việc năng suất và hiệu quả hơn, đồng thời cũng sẵn sàng đương đầu với những khó khăn xảy đến. Mục tiêu giúp tạo cho bạn động lực về vững bước trên con đường mà bạn đang đi. Nếu làm mà không thiết lập các mục tiêu trước, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản, vì nhiều lúc bạn không chắc rằng việc mà bạn làm có mang đến ý nghĩa gì hay không.
3. Cách đặt mục tiêu hiệu quả
Để đặt mục tiêu hiệu quả, bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp, tuy nhiên, bà viết xin phép giới thiệu đến bạn nguyên tắc SMART được nhiều người biết đến như một phương pháp rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trong việc đặt mục tiêu.
Phương pháp này gồm các yếu tố cụ thể như sau:
3.1. S – Specific – Cụ thể

Đây là yếu tố mang tính bản chất của một mục tiêu – luôn luôn phải rõ ràng, cụ thể. Chúng ta lúc nào cũng nên trực tiếp nhắm vào một điểm nào đó, cụ thể, dứt khoát chứ không chung chung. Ví dụ bạn đang theo học một khóa học tiếng anh, bạn nên đặt mục tiêu là “Sau hai tháng học khóa học này, tôi sẽ nói tốt tiếng anh”, hay là “Sau hai tháng học khóa học này, tôi sẽ có thể nói chuyện với người nước ngoài”?
Dĩ nhiên là bạn sẽ chọn mệnh đề phía sau rồi đúng không? Vì rõ ràng, nó là một mệnh đề cụ thể chứ không phải chung chung như mệnh đề thứ nhất. Nếu một mục tiêu mơ hồ thì nó sẽ không còn là một mục tiêu nữa. Cụ thể rõ ràng là điều bắt buộc nếu bạn muốn tìm ra một đích đến chuẩn xác.
Để có thể xác định tính cụ thể của mục tiêu đề ra liệu có đủ hay chưa, bạn có thể thử nghiệm chúng qua công thức “5W+1H” nổi tiếng. Công thức đó gồm những câu hỏi như sau:
- What (Điều gì, cái gì): bạn phải nghĩ một cách chính xác và chắc chắn về điều mà bạn đang thực hiện.
- Where (Ở đâu): bạn phải kể ra được các vị trí và nơi chốn có liên quan.
- When (Khi nào): bạn sẽ bắt đầu vào lúc nào và kết thúc vào lúc nào?
- Who (Ai): bạn đặt mục tiêu này là cho ai, sẽ tác động đến những ai, những đối tượng hữu quan là những người nào.
- Why (Tại sao): bạn cần nêu rõ ràng nguyên nhân mà bạn đã đề ra mục tiêu này.
- How (Thế nào): bạn sẽ làm cách nào để đạt được mục tiêu này, sẽ có bao nhiêu bước, mỗi bước bạn cần làm những việc gì.
Nếu bạn có thể thỏa mãn được hết công thức trên, thì chúc mừng bạn, mục tiêu của bạn là vô cùng cụ thể. Nếu không, hãy điều chỉnh những điểm còn chưa ổn để nó trở nên cụ thể hơn nữa bạn nhé.
3.2. M – Measurable – Có thể đo lường được

Yếu tố có thể đo lường được giúp mục tiêu dễ dàng được định lượng, theo dõi cũng như đánh giá. Việc đo lường là vô cùng quan trọng, nhất là khi bạn đi vào quá trình thực hiện mục tiêu, chúng giúp bạn dễ dàng theo dõi và kiểm soát những tiến triển, cũng như ngăn chặn những sai phạm hay sự cố ngay từ lúc chúng vừa mới nhen nhóm thông qua các dữ liệu đo lường.
Bạn sẽ dùng những công cụ nào để đo lường cho mục tiêu của mình? Sử dụng nhiều công cụ đo lường sẽ giúp bạn đánh giá được chính xác các kết quả thu được, đồng thời thấy được rõ ràng hiệu quả của quá trình thực hiện. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian (đôi khi là cả chi phí) để sử dụng các công cụ này. Ở chiều ngược lại, nếu bạn chỉ sử dụng một công cụ, nó nên là một công cụ đo lường mạnh để đo lường mức độ của quá trình thực hiện mà không cần các công cụ khác.
Ai sẽ là người chịu trách đo lường việc thực hiện mục tiêu? Tự bạn sẽ đo lường, bạn của bạn hay một người nào đó có trình độ chuyên môn cao? Nếu bạn tự đo lường, bạn sẽ dễ theo dõi liên tục biến động của nó, tuy nhiên bạn lại tốn kém thời gian, và đôi khi sự chủ quan của bản thân sẽ khiến bạn có phần “thiên vị” trong lúc đánh giá các chỉ số thu về.
Nếu một người khác đo lường, bạn cần có những thỏa thuận và chỉ tiêu nhất định cho việc đo lường, tránh việc họ sẽ thu thập các thông tin không cần thiết cho sự đo lường làm lãng phí thời gian. Yếu tố chi phí cũng nên được cân nhắc trong trường hợp này.
3.3. A – Attainable (hay Achievable) – Có thể đạt được

Một mục tiêu có thể đạt được thường được xem như một yêu cầu vừa sức. Vì sao bạn cần có tính chất vừa sức này? Nó mang đến rất nhiều tác động đến bạn mà có thể bạn nhận ra hoặc không nhận ra.
Mục tiêu nếu là quá nhỏ, đồng nghĩa bạn có thể dễ dàng đạt được thì cũng sẽ dễ gây chán nản. Bạn sẽ không còn cố gắng để thực hiện nó một cách năng suất nhất có thể, hay tìm các phương pháp cải biến giúp thực hiện nó hiệu quả hơn, vì nó luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Đối với những người đam mê thách thức, những mục tiêu thế này không khác gì “mồ chôn cảm xúc” của họ.
Mục tiêu quá cao cũng chưa bao giờ là sự lựa chọn tốt. Yêu cầu quá cao được đặt ra trong hai trường hợp, hoặc là bạn đã quá tự cao, hoặc là bạn đã đánh giá chưa đúng khả năng và nguồn lực của mình. Trong các tổ chức, việc cấp trên đặt yêu cầu quá cao lại thường khiến hiệu quả làm việc của nhân viên đi xuống. Mục tiêu cao có thể mang đến động lực tuy nhiên nó thường trở nên quá áp lực. Những tài nguyên mà bạn đầu tư vào một mục tiêu quá lớn thì sẽ là lãng phí, vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn có làm hết sức cũng không thể đạt được.
Chính vì vậy mà một mục tiêu vừa sức luôn được đề cao. Tính chất vừa sức có thể tạo một áp lực vừa đủ lên bạn, khiến bạn chăm chỉ làm việc nhưng không quá cảm thấy nặng nề. Và bạn luôn cảm thấy rằng chỉ cần bạn cố gắng là sẽ có thể đạt được, nó khích lệ bạn về tinh thần vươn lên. Nó còn đồng thời thúc đẩy những khả năng khác như áp dụng phương pháp mới hay sử dụng công cụ mới để hoàn thành.
3.4. R – Relevant – Phù hợp

Yếu tố phù hợp trong việc đặt mục tiêu sẽ có sự khác nhau giữa nhiều người. Có người cho rằng, sự phù hợp này đề cập đến tương quan giữa mục tiêu và nguồn lực. Khi nguồn lực dồi dào, bạn có thể nhắm vào một đích đến lớn, đến việc đạt được những cột mốc quan trọng. Còn khi nguồn lực của bạn là có giới hạn, bạn nên đặt trọng tâm vào những điểm vừa hoặc nhỏ, tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, tránh lan man.
Số khác cho rằng, việc phù hợp này đề cập đến các điều kiện hiện có của ngữ cảnh chứa mục tiêu. Giả sử, những giá trị bạn muốn đạt được phải phù hợp với các xu hướng hiện có, khi đó chúng đó mới giúp ích tối đa cho bạn. Mục tiêu dài hạn phù hợp thường đi kèm cùng các dự đoán về sự biến động đối với các yếu tố ngữ cảnh hoặc các chúng nên phù hợp với quy định trong luật pháp chính trị.
3.5. T – Timebound – Giới hạn thời gian

Để mục tiêu được hiệu quả, nó nhất định phải có một khung thời gian đi kèm. Bất kể là mức độ lớn hay nhỏ, ngắn hạn hay dài hạn, luôn phải được quy định thời gian hoàn thành cụ thể. Trong các tổ chức, những công việc và mục tiêu được giao xuống luôn luôn có hạn chót để hoàn thành (deadline). Giới hạn về thời gian khiến người ta tập trung hơn, tránh việc lơ là, xa rời kế hoạch.
4. Lời kết
Giới hạn thời gian tương quan chặt chẽ với khối lượng công việc đi kèm trong mục tiêu đó. Nếu công việc có khối lượng nhỏ, một giới hạn thời gian ngắn là hợp lý để đảm bảo được tính năng suất. Tuy nhiên, với những công việc quan trọng, cần sự tỉ mỉ, giới hạn thời gian ngắn sẽ không phát huy hiệu quả mà nó thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công việc được hoàn thành.
Trên đây là nguyên tắc SMART giúp bạn đặt mục tiêu một cách hiệu quả. Hi vọng bài viết đã hữu ích với bạn. Nếu bạn còn biết những phương pháp nào khác, hãy cùng chia sẻ với mọi người nhé. Chúc bạn luôn vui khỏe và thành công.