Đặc sản Huế có những món ăn nào đặc sắc? Huế là vùng đất với vô vàn những món ăn ngon miệng, độc đáo. Nếu bạn đang du lịch tại Huế và chưa biết nên ăn gì, cũng như mua món đặc sản Huế nào để làm quà, hãy điểm qua một số gợi ý dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Bún Bò Huế
Khi nhắc đến đặc sản Huế, món ăn đầu tiên bật ra ngay trong suy nghĩ của hầu như tất cả mọi người không gì khác chính là bún bò Huế. Đây cũng có thể được cho là món ăn đại diện cho vùng đất cố đô.
Điểm đặc trưng của bún bò Huế chính là hương vị đậm đà của nước dùng, được kết hợp bởi vị cay nồng của ớt, mùi thơm của sả, và một ít mắm ruốc. Tất cả những thứ đó là dậy lên một mùi vị đặc trưng, một mùi vị rất “Huế”.
Bên cạnh đó, có thể nhiều người chưa biết, loại bún được sử dụng trong món đặc sản Huế này là bún có sợi nhỏ, hay thường được gọi là bún tươi, bún gạo. Loại bún giống như khi bạn ăn gỏi cuốn, bún cá, bún riêu,… chứ không phải loại sợi to như nhiều hàng quán đang sử dụng.

Khi vào miền Nam, hương vị của bún bò đã phần nào được thay đổi. Nhằm hợp với khẩu vị chung của những người dân nơi đây, nước dùng của món bún bò trở nên ngọt thanh dễ chịu hơn do được hầm từ xương.
Còn ở Huế, người ta sẽ chắt xác ruốc để làm hương vị chính cho tô bún. Chính vì lẽ đó, một tô bún bò Huế truyền thống, chuẩn đặc sản Huế sẽ có vị mặn nồng, đậm đà hơn nhiều. Khi đến Huế, kể cả trong nhà hàng lớn, hay những quán ăn vỉa hè với chỉ hơn hai chục ngàn một tô, bạn cũng có thể cảm nhận rõ từng chút một sự đậm đà, thơm lừng của nước dùng.
2. Mè xửng
Một danh sách về đặc sản Huế không thể hoàn thiện nếu không nhắc đến kẹo mè xửng. Đây được ví như là một niềm tự hào của tất cả những người dân xứ Huế, khi mà ai đã ăn một lần rồi đều nhớ mãi dù là đang ở gần hay đi xa. Mè xửng, loại kẹo dai dai, vị kẹo ngọt thanh không bị gắt kết hợp với vị thơm của mè khiến người ta ăn mãi không ngán.
Tuy gọi là đặc sản Huế, nhưng sự kết hợp để tạo nên món ăn này lại hết sức bình dị và dễ tìm. Mè (hay nhiều nơi còn gọi là vừng) và xửng (cách hoàn đường) kết hợp với nhau tạo thành tên của món kẹo này. Mùi của lớp vỏ gồm mè, đậu phộng rang thơm lừng hòa quyện với vị ngọt thanh của đường mạch nha, bột gạo khiến ai ăn cũng mê.

Ở vùng đất cố đô, có rất nhiều cơ sở nổi tiếng, uy tín sản xuất loại kẹo đặc sản Huế này. Ví dụ như Song Hỷ, Thiên Hương, Thanh Bình, Nam Thuận, Hồng Thuận… với mức giá dao động từ 20 đến 50 nghìn một gói, tùy theo loại, khối lượng thương hiệu.
Trước đây, kẹo mè xửng thường được sản xuất theo kiểu truyền thống, tạo cảm giác dai dai và dính răng khi ăn. Nhưng hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của nhiều người, yêu thích hương vị của món đặc sản Huế này nhưng ngại cảm giác dính dính, khó chịu, kẹo mè dẻo, mè giòn, mè đen, mè gương,… đã được ra đời.
Nếu bạn đi du lịch và muốn mang về một món đặc sản Huế làm quà cho bạn bè và người thân, đừng nên bỏ qua mè xửng nhé. Lưu ý, khi mua bạn nên kiểm tra kẹo để biết được chất lượng của chúng. Nếu kẹo có màu vàng trong, khi bóp vào thấy mềm mềm, không bị gãy, thả tay ra thân kẹo trở về hình dạng cũ thì khả năng cao đây là mè xửng loại tốt.
3. Bánh bột lọc
Cố đô Huế thường được một số tín đồ ăn uống ví như vùng đất của những loại bánh làm từ bột gạo. Tuy có điểm chung về nguyên liệu chế biến là vậy, nhưng mỗi loại lại có một hương vị ngon đặc trưng riêng. Một trong số những loại bánh đặc sản Huế nổi tiếng nhất không gì khác chính là bánh bột lọc.
Bánh bột lọc ở Huế được chia thành hai loại, bao gồm loại được gói bằng lá dong hoặc lá chuối (thường gọi là bánh gói), và một loại không được gói trong lá (gọi là bánh trần). Cả hai loại đều có khả năng làm thực khách phải mê mẩn, khen ngon tấm tắc.

Vỏ bánh làm từ bột năng được nhào kĩ nên đạt được độ dai, và mềm mềm vừa ăn. Phần vỏ trong suốt làm lộ rõ nhân tôm bên trong chính là điểm đặc sắc của món ăn này. đặc sản Huế bánh bột lọc rưới thêm chút mỡ hành bên trên, rồi ăn cùng nước mắm chua ngọt, nghĩ thôi đã đủ thèm rồi!
4. Bánh bèo
Bánh bèo là một loại bánh rất nổi tiếng ở Việt Nam mà nhiều người yêu thích. Vậy nhưng ít ai biết rằng đây chính là một món đặc sản Huế. Phần vỏ bột của bánh bèo không dai dai như của bánh bột lọc, hoặc bánh ram ít, mà tương đối mềm, dễ nhai, dễ nuốt.

Ăn bánh bèo đúng chuẩn kiểu đặc sản Huế là khi phục vụ, bánh sẽ được đặt trong những chiếc chén nhỏ nhỏ. Bên trong là vỏ bánh trắng tinh, chính giữa là màu cam nhè nhẹ của thịt, tôm, và hành phi. Nhiều nơi còn cho thêm một lớp mỡ hành, hoặc đặt lên những miếng tóp mỡ bùi bùi, giòn rụm.
Khi ăn, bạn chỉ cần múc một thìa nước mắm chua ngọt chan lên phía trên mặt bánh rồi xắn một miếng cho vào miệng là có thể thưởng thức vị ngon khó cưỡng của món đặc sản Huế này.
5. Tré Huế
Bên cạnh các loại bánh bột gạo hấp dẫn, đặc sản Huế còn có những món nhậu vô cùng hấp dẫn, dân dã, trong đó bao gồm tré Huế. Thoạt nhìn, bạn có thể sẽ bị nhầm lẫn giữa tré Huế và nem Huế vì chúng có nhiều điểm tương đồng với nhau.
Tré Huế gồm hai loại là tré bò và tré heo. Tré bò có màu nâu và vị ngọt đậm hơn. Tuy gọi là tré bò nhưng nhân bên trong vẫn phải có thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi. Tre bò được trộn với riềng, tỏi, thính, bên ngoài bọc lá ổi và gói lá chuối tương tự như nem chua.
Còn tré heo có màu đỏ nâu, được làm từ thịt ba chỉ rán vàng, thái sợi nhỏ rồi trộn với riềng, tỏi, và thính. Tré heo có vị ngọt ngọt, hơi chua nhẹ và thơm mùi thính. Bên ngoài món đặc sản Huế này được bọc bằng lá đinh lăng và gói lại bằng lá chuối.

Nếu người thân của bạn thích những món mồi nhậu dân dã, đừng quên mua một ít tré heo về làm quà sau chuyến du lịch thưởng thức đặc sản Huế bạn nhé!
6. Mắm tôm chua
Mắm tôm chua là một món đặc sản Huế mà bạn khó tìm thấy được hương vị y hệt khi ở những tỉnh thành khác. Vị thanh mát của tôm hòa lẫn với vị ớt cay cay, cung một chút đường ngọt nhẹ và nhiều gia vị khác tạo nên một món đặc sản Huế trứ danh.

Những loại tôm được chọn để làm thành loại mắm này chính là tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đất nhỏ chứ không dùng tôm biển. Sở dĩ người Huế chọn tôm như vậy là vì tôm bé sẽ dễ thấm gia vị hơn. Ngoài ra, sử dụng tôm bé khi bày biện, trang trí món ăn, hoặc xếp vào hũ mắm sẽ dễ làm và đẹp mắt hơn, cũng như số lượng tôm được nhiều hơn so với tôm to.
Mắm tôm miền Bắc được dùng để ăn bún đậu, bún riêu, thịt chó. Còn mắm tôm chua Huế thường được sử dụng để ăn kèm với gỏi cuốn thịt luộc, cùng các loại rau thơm, rau sống khác. Nếu bạn không có thời gian, hoặc cảm thấy ăn cuốn phải chuẩn bị quá lích kích, có thể dùng ăn với cơm nóng cũng ngon tuyệt vời.
7. Bánh canh Nam Phổ
Sở dĩ món này có tên gọi là bánh canh Nam Phổ, vì nó xuất phát từ làng Nam Phổ – một nơi cách trung tâm thành phố hơn 10 cây số, và là món ăn hàng rong phổ biến tại ngôi làng này.
Ngày nay, bánh canh Nam Phổ đã phát triển rộng hơn, trở thành món đặc sản Huế được lòng nhiều người dân địa phương. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở nhiều nơi ngay trong trung tâm thành phố mà không cần di chuyển đến tận làng Nam Phổ.

Bánh canh Nam Phổ được nấu từ bột lọc và bột gạo theo tỉ lệ 3 gạo 1 lọc. Vì thế, nước bánh hơi đục và có độ sánh nhẹ. Khi ăn, bạn nên thêm vào tô bánh canh một chút ớt đề tăng độ cay và cảm nhận được trọn vẹn và rõ ràng hơn hương vị khi thưởng thức món ăn đặc sản Huế.
8. Mắm sò Lăng Cô
Nếu bạn và người thân yêu thích các loại mắm dân gian của Việt Nam, đừng quên mua ngay một chai mắm sò Lăng Cô khi đến du lịch tại Huế nhé. Món đặc sản Huế này nghe thì dân dã, bình bị nhưng để chế biến ra nó cần trải qua một quy trình công phu, tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian.

Việc đầu tiên khi làm mắm sò Lăng Cô chính là chọn sò tươi ngon, chắc thịt. Sau đó, sò sẽ được làm sạch và tẩm ướp gia vị kĩ càng như riềng, bột ớt, muối hột,… rồi mới mang đi ủ. Thời gian ủ trung bình là nửa tháng, hoặc đến khi sò nổi lên là được.
Mắm sò Huế có màu đỏ tươi, hương vị thơm ngon đặc biệt, khiến người ta khi ăn món đặc sản Huế này một lần thì khó mà quên được.
9. Kẹo cau
Tên gọi “kẹo cau” khiến nhiều người liên tưởng rằng loại kẹo này được làm từ nguyên liệu chính là cau. Thực tế, tên gọi đó là để chỉ hình dáng giống múi cau được bổ ra của loại kẹo này. Món đặc sản Huế này đã có từ khá lâu, là một loại quà vặt được rất nhiều trẻ em thời xưa yêu thích.

Nguyên liệu của món kẹo cau cũng vô cùng đơn giản. Bên trong, tượng trưng cho hạt cau là phần nước đường hoa mai màu vàng nhạt đã đóng cứng. Bọc bên ngoài là lớp bột trộn cùng đường kính, tượng trưng cho thịt cau. Đừng lo vì kẹo cau không bị ngọt gắt mà có vị ngọt thanh nhẹ nhàng, vô cùng dễ chịu khi ăn.
Trước đây, kẹo cau được để nguyên hình viên tròn, gói gọn trong lớp lá chuối khô. Nhưng ngày nay, chúng đã được bổ ra thành từng múi và gói trong bọc kiếng sạch sẽ. Món đặc sản Huế kẹo cau có thể được tìm thấy ở nhiều khu chợ lớn nhỏ, hoặc các địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng.
Ẩm thực Việt Nam là muôn màu muôn vẻ, và ẩm thực Huế cũng vậy. Vừa rồi là 9 món đặc sản Huế bạn không thể bỏ qua khi đến du lịch tại mảnh đất cố đô. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến đi du lịch tại đây.
Xem thêm:
10 Món Đặc Sản Bình Định Nổi Danh Nức Tiếng Mà Bạn Nên Thử
Đặc Sản Quảng Ngãi Ngon Nhất Mà Bạn Nên Thử Một Lần Trong Đời