Hạ Kali Máu Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị

0
2331

Kali là chất điện giải cực kỳ quan trọng với cơ thể, không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh – cơ. Hạ kali máu thường gây ra các tình trạng như chuột rút, yếu cơ, liệt cơ và nguy hiểm nhất là các rối loạn nhịp tim như xoắn đỉnh gây nguy hiểm cho tính mạng.

1. Hạ kali máu là bệnh gì?

Hạ kali máu là bệnh rối loạn điện giải thường gặp trong lâm sàng. Ở người mạnh khoẻ, tình trạng này có thể bù trừ được, nhưng nếu bệnh diễn biến nặng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đối với các người bệnh tim mạch, nồng độ kali trong máu làm tăng tỷ lệ tử vong. 

hạ kali máu
Hạ kili máu là bệnh rối loạn điện giải thường gặp trong lâm sàng

Hạ kali máu là tình trạng kali máu dưới 3,5mmol/l, đây là tình trạng này xuất hiện ở khoảng 20% số người bệnh đang nằm viện và khoảng 10 đến 40% ở những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu Thiazide. Thông thường, lượng kali máu khoảng 3-3,5mmol/l sẽ được bù trừ tương đối tốt ở những người khoẻ mạnh; tuy nhiên ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì hạ kali có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị là vô cùng quan trọng.

Hạ kali máu đôi khi được phát hiện tình cờ qua một xét nghiệm máu. Khi kali trong máu hạ xuống mức độ vừa – nặng (kali máu 3 – 2,5mmol/l) có thể gặp một số triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: cảm giác mệt mỏi, yếu cơ, đau cơ. Khi mức kali máu dưới 2,0 mmol/l, các tình trạng nặng có thể xuất hiện như tiêu cơ vân, liệt tứ chi hoặc các triệu chứng rối loạn cơ vòng như liệt ruột bí tiểu và cuối cùng là ngừng thở.

Các triệu chứng về tim mạch là những triệu chứng quan trong nhất do có thể đe dọa đến tính mạng. Ở các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, hạ kali máu mức độ vừa (3-3,5mmol/l) cũng đã có thể nhanh chóng gây các rối loạn nhịp.

Sự tăng chênh lệch mức kali tế bào gây ra hiện tượng gia tăng điện thế nghỉ sẽ dẫn đến hậu quả tăng tính tự động và tính kích thích của cơ tim (sự xuất hiện của sóng U). Các rối loạn nhịp có thể đi từ sự xuất hiện sóng U cho đến các loạn nhịp lớn hơn như rung nhĩ, ngoại tâm thu, xoắn đỉnh và rung thất. Một số bác sĩ ủng hộ việc duy trì kali máu lớn hơn 4,5mmol/l ở những người bệnh suy tim hoặc có bệnh động mạch vành.

2. Nguyên nhân gây hạ kali máu

Hạ kali máu có hai nguyên nhân chính: do trao đổi tế bào và do mất kali (qua thận và qua đường tiêu hóa). Dùng các thuốc lợi tiểu là nguyên nhân phổ biến nhất làm nồng độ kali trong máu hạ xuống. 

2.1. Mất kali qua thận

  • Đái tháo đường không kiểm soát được.
  • Tiểu nhiều do bất cứ nguyên nhân gì.
  • Hạ magie máu, tăng calci máu, hạ clo máu.
  • HC Fanconi, HC Bartter.
  • Toan ống thận typ I và typ II.
  • Hẹp động mạch thận

2.2. Mất kali qua đường tiêu hóa

  • Nôn ói nhiều hoặc mất do dẫn lưu qua sonde dạ dày.
  • Dẫn lưu mật, mở thông hồi tràng, sau phẫu thuật cắt bỏ ruột non.
  • Thụt tháo hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng.
  • Tiêu chảy nhiều.

2.3. Mất kali do thuốc

  • Insulin, Glucose, Natri bicarbonat.
  • Lợi tiểu thải kali như furosemide, thiazid, …
  • Thuốc trị bệnh khí phế thũng hoặc bệnh hen suyễn (thuốc gắn kết các thụ thể beta-adrenergic như thuốc giãn phế quản, steroid hoặc theophylline)- Corticoid.
  • Kháng sinh: thuốc chống nấm amphotericin B, penicillin, aminoglycosides, ampicillin, ticarcillin, rifampicin, insulin.
  • Điều trị thiếu hụt acid folic và vitamin B12.
  • Kiềm máu.
hạ kali máu
Một số loại thuốc là nguyên nhân làm kali trong máu hạ xuống

2.4. Thừa corticoid chuyển hóa muối nước

  • Tăng huyết áp ác tính.
  • Cường aldosterol tiên phát (hội chứng Conn), cường aldosterol thứ phát.
  • Hội chứng Cushing.
  • Ung thư thận, u tế bào cạnh cầu thận, uống nhiều cam thảo…

2.5. Thể lâm sàng đặc biệt (Liệt chu kỳ Westphal thể hạ kali máu nguyên phát)

  • Thường gặp ở độ tuổi nhỏ hơn 30 tuổi.
  • Yếu cơ từ nhẹ đến nặng.
  • Thường gặp vào buổi sáng, diễn biến từ vài giờ đến 1 tuần, tái phát nhiều lần.

2.6. Những nguyên nhân khác làm hạ kali máu

  • Thiếu hụt magie.
  • Vận động viên, người lao động quá sức dẫn đến đổ mồ hôi quá mức.
  • Bệnh bạch cầu.
  • Phẫu thuật giảm béo.
  • Lượng kali đưa vào cơ thể không đủ: biếng ăn, ăn kiêng, nghiện rượu

3. Triệu chứng bệnh hạ kali máu

Bình thường các tế bào thần kinh cơ liên tục giải phóng năng lượng (khử cực), sau đó tái tạo năng lượng (phân cực) để tiếp tục giải phóng năng lượng. Khi lượng kali trong máu thấp, các tế bào không thể phân cực và giải phóng năng lượng một cách liên tục, dẫn đến cơ và dây thần kinh không thể hoạt động bình thường. 

Các triệu chứng hạ kali máu ở hệ thống thần kinh cơ bao gồm:

  • Yếu cơ ( tứ chi, cơ hô hấp…)
  • Đau cơ
  • Chuột rút
  • Mệt mỏi
  • Táo bón, nôn, buồn nôn

Các biểu hiện ở hệ tim mạch bao gồm: 

  • Hồi hộp (rối loạn nhịp tim)
  • Mạch nảy
  • Huyết áp tối thiểu giảm, tụt huyết áp tư thế
  • Nghe tim có âm thổi tâm thu
  • Đo điện tim thấy có sóng U, sóng T dẹt, ST chênh xuống, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt nguy hiểm khi kali máu giảm nặng thường có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được bù kali đủ kịp thời.
hạ kali máu
Triệu chứng hạ kali máu

Đối tượng có nguy cơ bị hạ kali máu

  • Thường là phụ nữ 
  • Người Mỹ gốc Phi 
  • Người ăn kiêng
  • Bệnh nhân nặng, nằm lâu, phải nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày
  • Bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu thải kali hoặc ở giai đoạn bắt đầu hồi phục của suy thận cấp, toan hóa ống thận
  • Người mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa 

4. Các biện pháp điều trị bệnh hạ kali máu

4.1. Liệu pháp thay thế kali

Việc quyết định điều chỉnh nhanh chóng tình trạng bệnh phụ thuộc vào phân loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Việc điều trị bệnh được bắt đầu ngay khi có kết quả của các xét nghiệm xác định chẩn đoán.

Hạ kali máu mức độ nhẹ

Những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ chỉ cần uống kali dưới dạng lỏng hoặc dạng viên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng để tăng 0,3mmol kali máu cần phải dùng 100mmol kali dưới dạng muối kali clorua. Cách này an toàn, dễ quản lý, ít tốn kém và dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa tuy nhiên một số chế phẩm với liều quá cao có thể gây nôn và gây kích ứng dạ dày.

Hạ kali máu mức độ nặng:

  • Nếu có loạn nhịp tim hoặc các triệu chứng nghiêm trọng bệnh nhân cần được truyền kali tĩnh đường mạch. Kali được truyền vào tĩnh mạch rất chậm, để tránh các vấn đề nghiêm trọng về tim và tránh kích ứng mạch máu chỗ đặt kim truyền cần được theo dõi kỹ trong nhiều giờ. Đo mức kali máu mỗi 1 đến 3 giờ.
  • Việc bổ sung kali không nên quá 20mmol/h và luôn phải theo dõi sát tình trạng rối loạn nhịp. Nếu truyền tĩnh mạch ngoại vi thì lượng kali bù tối đa cũng chỉ 40mmol/lít dịch truyền. Tiến hành xét nghiệm kali thường xuyên để tránh hiện tượng kali máu tăng quá cao gây ra biến chứng rối loạn nhịp dẫn đến tử vong. Trong các trường hợp hạ kali máu nặng, nên xem xét bổ sung magie.
  • Người bị nghi ngờ kali trong máu hạ nghiêm trọng cần phải được theo dõi tim mạch và truyền dịch.
hạ kali máu
Người bị nghi ngờtình trạng bệnh nghiêm trọng cần phải được theo dõi tim mạch
  • Bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi. 
  • Trường hợp hạ kali kháng trị có thể cải thiện bằng thuốc lợi tiểu giữ kali.

4.2. Điều trị nguyên nhân gây ra hạ kali máu

  • Ngưng sử dụng các loại thuốc gây hạ kali máu
  • Điều trị tiêu chảy
  • Bổ sung kali bằng chế độ ăn giàu kali
  • Thường xuyên kiểm tra các bất thường chuyển hóa cùng tồn tại như hạ magie máu. 

4.3. Tự chăm sóc tại nhà với hạ kali máu

  • Nếu bạn đang trong thời gian được theo dõi do kali hạ, nên tránh các hoạt động thể chất nặng và kéo dài vì đổ mồ hôi đi kèm với mất kali.
  • Nếu bổ sung chế độ ăn uống, thảo dược, thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu gây ra các tình trạng bệnh, bạn nên tránh sử dụng những sản phẩm này và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Không được tự ý ngừng dùng thuốc kê toa mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.

6. Biến chứng nguy hiểm khi hạ kali máu

Hạ kali máu vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, suy tim… Các triệu chứng của bệnh chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ. Các biểu hiện ở tim mạch bao gồm mạch nảy, tụt huyết áp tư thế, huyết áp tối thiểu giảm, nghe tim có tiếng thổi tâm thu. Nặng hơn là loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nếu không được bù đủ kali kịp thời.

Các dấu hiệu thần kinh cơ có thể biểu hiện sớm như mỏi cơ, yếu cơ, dị cảm, chuột rút… Nặng hơn nữa là liệt chi với biểu hiện ở gốc chi, liệt mềm, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, liệt hai chi dưới kéo dài từ 24 đến 72 giờ (liệt Westphall). Ngoài ra, bệnh thường gây chướng bụng, rối loạn cơ tròn.

7. Phòng ngừa bệnh hạ kali máu

Các phương pháp phòng tránh bệnh hạ kali máu bao gồm:

Bù đủ kali đường uống với những người có nguy cơ mắc bệnh. Sử dụng thực phẩm và hoa quả giàu  kali như: cá hồi, khoai tây, chuối, cam, cà chua, cam, mơ và đào.

hạ kali máu
Bù đủ kali bằng những thực phẩm và hoa quả giàu kali

Hạn chế ăn mặn và sử dụng các thảo dược hoặc thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, … có thể gây ra tình trạng hạ kali máu. Luôn dùng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ cũng như có chế độ dự phòng và theo dõi kali máu khi điều trị với các loại thuốc này.

Bù đủ lượng kali mất đi mỗi ngày ở những bệnh nhân tiêu chảy hay tiểu nhiều do sử dụng thuốc lợi tiểu. 

Hạ kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp trong thực hành lâm sàng và thường được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm máu. Tình trạng này thường không nguy hiểm với các bệnh nhân toàn trạng sức khỏe tốt, tuy nhiên ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đi kèm thì bệnh có thể gây các hậu quả nghiêm trọng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Hy vọng bài viết này cung cấp thêm thông tin cho bạn về bệnh hạ kali máu. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây