HPV – Kẻ Giết Người Thầm Lặng

0
1124

HPV là căn bệnh phổ biến trên thế giới và mỗi năm có khoảng 14 triệu người bị nhiễm mới. Đây là một căn bệnh phát triển âm thầm nhưng không có dấu hiệu và triệu chứng bệnh rõ rệt. Vì vậy rất nhiều người bỏ qua phòng chống bệnh hay chính bản thân đã bị nhiễm nhưng không biết. 

1. HPV là gì?

HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay do virus HPV gây ra. 

Có rất nhiều chủng virus HPV khác nhau. Không phải tất cả các chủng của virus HPV đều gây bệnh nghiêm trọng. Một số chủng chỉ gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Trong khi đó, một số chủng khác gây ra các bệnh lý nghiêm trọng hơn ở cơ quan sinh dục như ung thư cổ tử cung, hậu môn, và các phần khác của bộ phận sinh dục.

hpv là gì
HPV có nhiều chủng khác nhau

Tùy vào chủng virus HPV mà mỗi bệnh nhân sẽ có hoặc không xuất hiện các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh.

2. Triệu chứng của HPV

Trong phần lớn trường hợp, bệnh nhân nhiễm HPV sẽ tự khỏi và không để lại bất kỳ ảnh hưởng nào. Trong trường hợp bệnh không tự khỏi, bệnh nhân sẽ gặp phải một số vấn đề sức khỏe.

Trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể nổi mụn rộp tại bộ phận sinh dục. Mụn rộp có thể mọc rải rác hoặc mọc thành một nhóm trông như bông cải, trông giống những cục u nhỏ.Hình dạng mụn rộp có thể lớn hay nhỏ, nhô lên hay xẹp xuống.

Trường hợp nghiêm trọng, virus HPV có thể gây ra các bệnh nan y khác như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, ung thư dương vật hay hậu môn.

HPV cũng có thể gây ung thư phía sau họng, bao gồm dưới lưỡi và amidan nhưng với tỷ lệ hiếm hơn. Ung thư có thể được phát hiện sau chục năm bệnh nhân sống chung với HPV. Không có cách nào để xác định một bệnh nhân nhiễm HPV có bị ung thư hay không.

Ung thư cổ tử cung là bệnh nan y thường gặp nhất mà HPV gây ra.

hpv là gì
Virus hpv gây ung thư cổ tử cung

3. HPV lây nhiễm như thế nào?

HPV lây truyền qua đường tình dục. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV, ngay cả khi bạn chỉ quan hệ với một người. Nguy cơ nhiễm HPV sẽ cao hơn nếu bạn có quan hệ tình dục với nhiều người.

HPV có thể lây nhiễm nếu có quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh bằng miệng, bằng hậu môn và cả âm đạo. 

HPV vẫn có thể lây lan ngay cả khi người nhiễm không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Các triệu chứng của bệnh cũng có thể xuất hiện nhiều năm sau khi có quan hệ tình dục với người bệnh và bị nhiễm. Vì vậy rất khó để xác định được thời gian bắt đầu nhiễm bệnh.

4. HPV tồn tại trong cơ thể người bao lâu?

Virus HPV tồn tại suốt đời trong cơ thể người bệnh, mặc dù bệnh nhân không xuất hiện dấu hiệu hay triệu chứng bệnh.

Thông thường, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự chống lại các virus mới xâm nhập vào cơ thể. Nhưng nếu hệ miễn dịch không đủ mạnh để tiêu diệt virus HPV, thì virus sẽ tấn công và phá hủy các tế bào bình thường trong cơ thể, từ đó gây ung thư cho người bị nhiễm.

5. Làm thế nào để phát hiện bệnh HPV?

Chưa có các xét nghiệm nào có thể phát hiện được chính xác một người có bị nhiễm virus HPV hay không. 

Chỉ có xét nghiệm PAP giúp phát hiện virus HPV trong sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Xét nghiệm này chỉ khuyến cáo cho phụ nữ trên 30 tuổi, không được khuyến cáo sử dụng cho nam giới, trẻ vị thành niên hay phụ nữ dưới 30 tuổi.

Hầu hết bệnh nhân đều không biết mình bị nhiễm HPV. Một số người phát hiện bệnh khi xuất hiện mụn rộp tại cơ quan sinh dục. Số khác chỉ có thể biết được bệnh khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như ung thư.

6. HPV có chữa trị được không?

Hiện nay, vẫn chưa tìm ra được phương pháp có thể tiêu diệt triệt để virus HPV trong cơ thể. Bệnh nhân nhiễm HPV chỉ có thể áp dụng các biện pháp y học để làm giảm hoặc mất đi các tình trạng bệnh mà virus HPV gây ra:

  • Mụn tại cơ quan sinh dục và các chi: bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế có uy tín và các bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc điều trị. Nếu không, trong trường hợp xấu nhất, mụn có thể lớn thêm và mọc nhiều hơn.
  • Tiền ung thư cổ tử cung: phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm PAP để phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung trong giai đoạn đầu.
  • Các loại ung thư khác: có khả năng trị khỏi tốt hơn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

7. Làm thế nào để phòng ngừa HPV?

Tiêm vaccine HPV là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng chống virus HPV. Vaccine HPV nên được tiêm cho cả nam và nữ độ tuổi từ 11 đến 26 tuổi có thể giúp đề kháng với các bệnh gây ra bởi virus HPV. Nên tiêm càng sớm càng tốt để tăng khả năng đáp ứng hệ miễn dịch.

hpv là gì
Tiêm vaccine hpv để ngừa bệnh

Liệu trình tiêm vaccine HPV gồm 3 mũi tiêm trong thời gian 6 tháng. Tiêm đủ liệu trình là điều quan trọng để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

  • Đối với nữ giới: nên tiêm vaccine trong giai đoạn từ 11-12 tuổi để hiệu quả phòng chống là tốt nhất. Cũng có thể sử dụng cho phụ nữ dưới 26 tuổi chưa tiêm vaccine lần nào hoặc tiêm chưa đủ mũi khi còn nhỏ, nhưng hiệu quả sẽ giảm.
  • Đối với nam giới: bé trai từ 11-12 tuổi được khuyến cáo tiêm ngừa HPV để đạt hiệu quả tốt nhất. Nam giới dưới 21 tuổi cũng có thể tiêm vaccine HPV nếu chưa tiêm lần nào hoặc tiêm chưa đủ liều khi còn nhỏ. Vaccine cũng được đề nghị cho nam dưới dưới 26 tuổi nếu có quan hệ đồng giới hoặc hệ miễn dịch kém.

Định kỳ sàng lọc và phát hiện ung thư cổ tử cung cho nữ từ 21 đến 65 tuổi có thể giúp phòng chống ung thư cổ tử cung và phát hiện virus HPV.

Dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục cũng là một cách phòng ngừa lây nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, virus HPV vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vùng mà bao cao su không thể che kín được. Dùng bao cao su chỉ có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HPV nhưng không triệt để.

hpv là gì
Dùng bao cao su đúng cách

Quan hệ tình dục an toàn một vợ-một chồng cũng là cách phòng ngừa lây nhiễm HPV hiệu quả.

8. Bao lâu thì nên quan hệ sau khi tiêm vaccine?

Hiện tại, chưa có khuyến cáo nào cụ thể về việc kiêng quan hệ sau khi tiêm phòng. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng để đảm bảo an toàn và yên tâm, bạn hãy nên có biện pháp bảo vệ nếu quan hệ tình dục trong thời điểm đang tiêm phòng như dùng bao cao su chính hãng, chất lượng đúng cách.

Bởi khi chưa tiêm đủ liều thì vắc xin chưa tạo ra kháng thể giúp chống lại virus HPV, bạn vẫn hoàn toàn có thể lây nhiễm HPV khi quan hệ tình dục không an toàn.

9. Tiêm vaccine HPV trong bao lâu thì có thai được?

Vaccine HPV không chỉ định tiêm cho phụ nữ có thai. Vì thế các chị em chỉ nên mang thai sau khi kết thúc mũi tiêm cuối cùng ít nhất 1 tháng và tốt nhất là sau 3 tháng.

Trường hợp phát hiện mang thai sau khi tiêm vaccine được 1 hoặc 2 mũi, thì nên hoãn mũi tiêm còn lại cho đến khi kết thúc thai kỳ.

hpv là gì
Chỉ có thai sau khi đã tiêm vaccine HPV được tối thiểu 3 tháng

10. Vaccine HPV có giá bao nhiêu?

Việt Nam đang sử dụng 2 loại vaccine phòng HPV: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Trong đó Gardasil phòng ngừa được 4 chủng HPV và Cervarix chỉ phòng được 2 chủng. Vì thế, Gardasil được ưa chuộng và sử dụng nhiều hơn.

Bên cạnh phòng ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra, Gardasil còn giúp phòng chống ung thư âm đạo, âm hộ, mụn rộp sinh dục và cả ung thư hậu môn.

  • Vaccine Gardasil có giá 1.330.000 đồng/mũi tiêm.
  • Vaccine Cervarix có giá 875.000 đồng/mũi tiêm.

11. Có thể tiêm vaccine HPV ở đâu?

Các bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế lớn, uy tín để được cập nhật vacxin thường xuyên và được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có dịch vụ đặt và giữ vaccine để đảm bảo được tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch.

Nếu ở TP. HCM, bạn có thể đến những cơ sở y tế sau để tiêm ngừa vaccine HPV:

Viện Pasteur TP. HCM

252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TPHCM (góc đường Võ Thị Sáu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa)

Điện thoại: 08 3823 0352, 08 3820 7150

  • Xét nghiệm
  • Thứ 2 đến thứ 6: từ 7g – 11g và 13g – 17g
  • Thứ 7: từ 7g – 11g và 13g – 16g
  • Chủ nhật: nghỉ
  • Khám bệnh + tiêm ngừa
  • Thứ 2 đến thứ 6: từ 7g – 11g và 13g – 18g
  • Thứ 7: từ 7g – 11g và 13g – 16g
  • Chủ nhật: nghỉ

Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM

215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TPHCM

Điện thoại:  08 3855 4269

  • Thời gian phát số khám bệnh
  • Thứ 2- thứ 6: 3 giờ – 16 giờ 30
  • Thứ 7: 3 giờ – 11 giờ 30
  • Thời gian khám bệnh
  • Thứ 2 – thứ 6: 6 giờ 30 – 16 giờ 30
  • Thứ 7: 6 giờ 30 -11 giờ 30

Tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc lân cận, bạn có thể tham khảo thông tin của các cơ sở y tế uy tín để tiêm ngừa tại đây:

Bệnh viện đa khoa Hà Nội

29 P.Hàn Thuyên, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024 62 555 333

  • Thời gian làm việc: Mở cửa cả ngày

Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

Số 1 phố Yecxanh, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024 3971 6356

  • Thời gian làm việc:
  • Thứ 2 – thứ 6: 8 giờ – 17 giờ.
  • Thứ 7, chủ nhật: nghỉ.

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

70 Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024 3834 3537

  • Thời gian làm việc:
  • Thứ 2 – chủ nhật: 7 giờ 30 – 16 giờ 30.

Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng Hà Nội

131 Lò Đúc, Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024 3971 7694

  • Thời gian làm việc:
  • Thứ 2 – chủ nhật: 7 giờ 30 – 11 giờ 30 và 13 giờ 30 – 17 giờ.

Đối với các tỉnh thành khác, bạn có thể đến bệnh viện lớn hoặc trung tâm tiêm chủng của tỉnh để tiêm ngừa vaccine HPV.

12. Lời kết

HPV là căn bệnh nguy hiểm và hiện vẫn chưa có phương pháp y học nào có thể tiêu diệt triệt để mầm mống của virus HPV gây bệnh trong cơ thể người. Vì vậy, tốt hơn hết là nên phòng ngừa lây nhiễm bệnh để tránh những ảnh hưởng xấu về sức khỏe của người thân và gia đình bằng những biện pháp mà chúng tôi đã giới thiệu trên đây. 

Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin thực sự cần thiết về căn bệnh nguy hiểm, phổ biến nhưng ít được quan tâm này.

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây