Lòng Biết Ơn – Đơn Giản Dễ Hiểu Mà Khó Nói Thành Lời

0
6929

Lòng biết ơn luôn được xem là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt, bởi nó mang sức mạnh to lớn trong việc gắn kết, tạo nên mối quan hệ giữa người với người, đồng thời là thước đo đạo đức cho mỗi cá nhân trong tập thể. Vậy lòng biết ơn có ý nghĩa như thế nào?

1. Lòng biết ơn là gì?

1.1 Là sự trân trọng và ghi nhớ

Lòng biết ơn là sự trân trọng và ghi nhớ những giá trị mà chúng ta được nhận từ người khác. Lòng biết ơn thường đi kèm với các biểu hiện qua hành động. Những người biết ơn luôn nhớ rất rõ về sự giúp đỡ mà mình đã được nhận từ người khác đồng thời luôn mong muốn có cơ hội được đáp trả lại. Họ cũng có thái độ lên án những hành vi được cho là vô ơn, thiếu đạo đức.

Người không có lòng biết ơn sẽ khó thành công trong cuộc sống, bởi trong bất kỳ thời đại nào cũng vậy, lòng biết ơn thể hiện đạo đức của một con người. Để thành công, con người luôn cần sự giúp đỡ của nhiều người và nhiều yếu tố khác. Ví dụ như một người tự phấn đấu trở thành doanh nhân thành đạt, thì cậu luôn phải biết ơn cha mẹ, thầy cô và những người cộng sự đã từng làm việc với mình, dù sự cố gắng của cậu mới là nhân tố chính, nhưng cậu không thể chối bỏ rằng những giá trị của cậu tạo ra là chưa đủ, phải cần những yếu tố phụ trợ khác.

1.2 Đôi khi lòng tốt sẽ bị lợi dụng

Lòng biết ơn trong xã hội hiện đại đôi lúc chưa được đặt ở đúng vị trí của mình. Những người có lòng tốt hay giúp đỡ người khác thường bị lợi dụng, còn những người nhận được sự giúp đỡ lại thường xem đó là lẽ dĩ nhiên. Bên cạnh đó, khi con người ta thành công, họ lại thường quên đi trong lúc khó khăn những ai đã giúp đỡ mình. Đây là những hành vi và thái độ cần phải loại bỏ để góp phần xây dựng một xã hội tích cực, mối quan hệ giữa người với người trở nên bền chặt hơn.

2. Chúng ta nên biết ơn những ai?

2.1. Lòng biết ơn đối với cha mẹ

lòng biết ơn
Lòng biết ơn đối với cha mẹ

Đầu tiên và quan trọng nhất đó là lòng biết ơn đối với đấng sinh thành

Bởi họ tạo ra cho chúng ta sự khởi đầu. Cha mẹ luôn luôn là người yêu thương con cái vô điều kiện. Ngay cả trong những gia đình khó khăn nhất, cha mẹ dù có phải đội nắng dầm sương, con cái của họ vẫn phải được ăn no mặc đẹp. Người ta thường nói “Hy sinh đời bố – Củng cố đời con” âu cũng là có lý do. 

Thế nhưng, lòng biết ơn đối với cha mẹ lại thường là khái niệm dễ bị phớt lờ nhất.

Bởi cha mẹ luôn cho đi những điều tốt nhất họ có thể đến con cái mà chưa bao giờ đòi hỏi lại bất cứ điều gì. Vậy nên, có không ít người xem đây là một sự dĩ nhiên. Họ cho rằng, sự quan tâm chăm sóc mà bố mẹ dành cho mình chỉ là trách nhiệm mà họ phải làm khi đã tạo ra một đứa trẻ, đồng thời chỉ là sự chuẩn bị “người chăm lo” khi bản thân về già. Những người mang suy nghĩ vô ơn thường không thể thành công, khi mà họ dám chà đạp lên những giá trị đạo đức.

Nhưng dù những đứa trẻ ngỗ nghịch chưa bao giờ có lòng biết ơn với đấng sinh thành, các bậc cha mẹ không bao giờ hờn trách hờn lấy một lời. Họ luôn bao dung và tha thứ cho con, bởi con cái là thứ vô giá đối với họ. Điều duy nhất mà họ lo sợ chính là bản thân không thể chăm sóc con cái một cách chu toàn, không cho con được những điều tốt nhất. Cha mẹ có thể trở thành bất kỳ “vị thần” nào bảo vệ con cái trước mọi thứ có thể tổn hại con, nhưng họ lại trở nên vô cùng “yếu đuối” trước chính những đứa con mình.

“Ngoài cha mẹ ra, không có bất kỳ ai cho không chúng ta điều gì”

Cha mẹ luôn sẵn lòng cho đi mà chẳng cần nhận lại. Dù bạn là người luôn có nhiều mối bận tâm trong cuộc sống thường nhật, đối diện với nhiều mệt mỏi, cũng đừng bao giờ quên luôn có ba mẹ đang đợi bạn ở nhà. Hãy dành thời gian nói chuyện với ba mẹ nhiều hơn, bạn nên biết rằng họ không bao giờ cảm thấy nhàm chán với những câu chuyện của bạn, họ luôn muốn được nghe bạn kể nhiều hơn và nhiều hơn nữa. 

Lòng biết ơn tuy dễ cảm nhận, nhưng đôi lúc rất khó để nói ra. Thế nhưng, giống như cha mẹ luôn dành tình yêu thương cho chúng ta một cách lặng thầm, ta biết ơn họ cũng không cần phải “ầm ĩ”. Luôn có rất nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. Trước hết hãy luôn khắc ghi trong tim những gì mà cha mẹ đã ban tặng bạn, trân trọng sự yêu thương, sự nuôi nấng mà bạn đã may mắn được hưởng. Bên cạnh đó, hãy luôn sống thật vui, thật hạnh phúc, thật có ích để cha mẹ được tự hào và hãnh diện.

Bạn hãy luôn nhớ những dịp đặc biệt quan trọng đối với cha mẹ.

Ngoài sinh nhật của họ là điều luôn phải nhớ, bạn cũng không nên vì quá bận mà quên đi những ngày lễ của cha, ngày lễ của mẹ, lễ Vu Lan hay các dịp lễ tết. Trong những ngày này hãy dành thời gian về nhà cùng bố mẹ, hoặc ít nhất là một cuộc gọi, một lời chúc gửi đến đấng sinh thành. Bạn không cần phải mang theo bất cứ món quà gì, bởi món quà lớn nhất chính là tấm lòng biết ơn của bạn.

2.2. Lòng biết ơn đối với thầy cô

lòng biết ơn
Lòng biết ơn đối với thầy cô

Nếu cha mẹ được xem như người sinh thành và dưỡng dục, thầy cô lại được xem như “người cha người mẹ thứ hai” với công ơn dạy dỗ. Khi một người “thành danh và thành nhân”, họ không bao giờ được phép quên đi những giá trị mà thầy cô đã truyền dạy cho mình. Ở chiều ngược lại, một người không có lòng biết ơn đối với những người đã dạy dỗ họ, dường như chẳng bao giờ có thể thành công.

Một số người thường cho rằng vai trò của thầy cô không là gì so với cha mẹ

Nhưng đây rõ ràng là một quan điểm sai lầm. Không phải tự dưng mà nghề giáo được xem như nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Nghề giáo là một ngành nghề đào tạo, không chỉ về trình độ chuyên môn mà về cả nhân cách của một con người, nhất là xây dựng các giá trị đạo đức bên trong họ. Mà con người chính là yếu tố cốt lõi tạo nên xã hội, vậy nếu nói những người giáo viên đang ngày càng ngày ngày xây dựng xã hội với công việc của họ thì không sai vào đâu được.

“Thầy cô giáo là những người lái đò, chèo lái con đò tri thức đưa thế hệ trẻ cập bến tương lai”.

Họ luôn là những anh hùng không thể thiếu trong sự thành công của bất kỳ ai. Chúng ta nên có lòng biết ơn với họ không chỉ vì những kiến thức mà họ truyền dạy, mà còn là những sự đồng hành trên hành trình xây dựng tương lai, cũng như những nguồn cảm hứng bất tận mà họ khơi gợi thông qua những bài giảng. 

Mỗi năm, cứ vào ngày 20 tháng 11 – ngày Nhà giáo Việt Nam, những đóa hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp luôn được các bạn học trò gửi đến quý thầy cô thay cho lòng biết ơn sâu sắc của bản thân mình. Cũng như những đấng sinh thành, những “người cha người mẹ thứ hai” này không mong mỏi gì nhiều hơn những “đứa con” của mình sẽ thành công và sống thật vui vẻ hạnh phúc.

2.3. Lòng biết ơn đối với các anh hùng dân tộc

lòng biết ơn
Lòng biết ơn đối với các anh hùng dân tộc

Ông cha ta luôn dạy rằng: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Giống như chúng ta sống trong một xã hội hòa bình, thì chúng ta càng phải có lòng biết ơn đối với những người đã đặt nền tảng cho xã hội hòa bình đó. Đó chính là các anh hùng dân tộc đã cống hiến tất cả tinh thần và thể xác của họ cho sự ổn định phát triển của đất nước. 

Ngược dòng thời gian, ta trở về thuở ban sơ trong những ngày đất nước mới thành hình. Những câu chuyện về 18 đời vua Hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước ngày ấy mãi vẫn còn vang vọng. Những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mãi mãi là những mốc son chói lọi và là minh chứng sắt đá cho tinh thần dân tộc quật cường bất khuất. Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta phải có lòng biết ơn với những giá trị được thừa kế từ tổ tiên bao đời trước, thông qua việc giữ gìn và phát huy tinh thần đó.

Những vụ lùm xùm liên quan đến “Đường Chín Đoạn” gần đây đã một lần nữa dấy lên lòng yêu nước của dân tộc Việt.

Chúng ta trân trọng và tôn thờ các giá trị mà chúng ta được nhận từ ông cha, đó là sự độc lập về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Giờ đây, với lòng biết ơn, chúng ta không cho phép bất kỳ ai làm tổn hại đến các giá trị đó. Liên tục những phát ngôn của Bộ Ngoại Giao được đưa ra để phản đối mạnh mẽ những luận điểm vô căn cứ về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, cũng như khẳng định sự không khoan nhượng đối với các thế lực muốn thâu tóm vùng biển đã có chủ quyền này.

2.4. Lòng biết ơn đối với những người giúp đỡ chúng ta

lòng biết ơn
Lòng biết ơn đối với người giúp đỡ chúng ta

Bên cạnh những giá trị quan trọng mà chúng ta nhận được phía trên, chúng ta cần có lòng biết ơn đối với những người giúp đỡ chúng ta, dù cho họ là những người xa lạ. Lòng biết ơn và sự giúp đỡ luôn là đôi bạn song hành trong việc xây dựng một xã hội tích cực, nơi mà mối quan hệ của con người với con người được thắt chặt với nhau.

Khi một người đang trong hoàn cảnh khó khăn và được giúp đỡ bởi một người xa lạ, họ sẽ có thể thay đổi góc nhìn của mình về sự tích cực trong xã hội, đồng thời họ luôn trân trọng và khắc ghi những sự giúp đỡ đó, cũng như luôn sẵn sàng giúp đỡ một người xa lạ khác có hoàn cảnh như mình đã từng. Và nhờ vậy mà sự giúp đỡ và lòng biết ơn tạo nên một chuỗi giá trị dài vô hạn, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, xây dựng một xã hội giúp đỡ lẫn nhau.

3. Kết luận

Lòng biết ơn là khởi nguồn của mọi thói quen tốt đẹp khác”, hãy luôn khắc cốt ghi tâm khái niệm này bạn nhé. Bên cạnh đó, để xây dựng một xã hội tốt đẹp, đừng ngại ngần cho đi những gì mà bạn có thể, bạn sẽ phải bất ngờ vì sức mạnh của lòng biết ơn – thứ mà bạn gieo khi giúp đỡ người khác. Hy vọng bài viết đã hữu ích với bạn. Chúc bạn luôn vui khỏe và hạnh phúc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây