Siêu Âm Tim: Vai Trò Và Tầm Quan Trọng Khi Chẩn Đoán Bệnh

0
1356

Siêu âm tim là một phương pháp thăm dò, chẩn đoán kiểm tra các bất thường tim; sử dụng sóng siêu âm tần số cao để có được hình ảnh động và những cấu trúc liên quan đến tim. Đây là một kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng bức xạ và thường hiếm xảy ra tác dụng phụ.

Bác sĩ siêu âm tim để kiểm tra các bất thường khi trong chẩn đoán các bệnh lý về tim. Siêu âm tim cho thấy kích cỡ, độ dày mỏng, khả năng bơm máu cũng như các hoạt động khác của tim.

1. Siêu âm tim giúp phát hiện những bất thường của cơ thể

Bằng sóng siêu âm, bác sĩ có thể quan sát được cấu trúc tim, kiểm tra những bất thường của tim khi tim hoạt động như:

  • Cách tim hoạt động, co bóp
  • Kích thước và hình dạng của tim
  • Kích thước và chuyển động bơm của các thành tim
  • Sức bơm của cơ tim
  • Các van tim hoạt động có bình thường không
  • Các van tim có bị hẹp hay bị hở không
  • Có khối u, khối viêm nhiễm xung quanh van tim, cơ tim, mạch máu không.

Sau khi siêu âm tim, bác sĩ quan sát có thể chẩn đoán các vấn đề về tim gặp phải như:

  • Các vấn đề về các mạch máu lớn vào và ra khỏi tim
  • Các vấn đề về cơ tim, màng trong, màng ngoài của tim
  • Các bệnh lý van tim
  • Các lỗ bất thường giữa các buồng tim
  • Cục máu đông trong buồng tim

2. Dấu hiệu cần đi siêu âm tim

Không ai tự nhiên đi siêu âm tim. Khi cơ thể gặp một số triệu chứng như sau, bạn cần đến bệnh viện hay những cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn để thực hiện phương pháp này: 

  • Khi đang điều trị bệnh và được bác sĩ yêu cầu.
  • Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
  • Người có biểu hiện đau thắt ngực, tức ngực.
  • Khó thở, tim đập loạn nhịp, lúc nhanh lúc chậm không như tiêu chuẩn của nhịp tim đập mỗi phút.
  • Người nhà tiền sử mắc bệnh tim nên đi siêu âm tim.
  • Khi làm việc nặng thấy tim đập nhanh, nghẹn lại khó thở.
  • Đang ngồi tự dưng đau ngực, hụt hơi, đau tim và nôn ói
  • Những người bị đau vùng vai trái, đau cánh tay, đau cổ, đau lưng hay đau ở hàm thì cũng nên đi siêu âm tim vì đây cũng là biểu hiện các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Khi mang thai đi siêu âm tim để kiểm tra dị tật bẩm sinh của thai nhi.

3. Vai trò của siêu âm tim

3.1 Là một phương pháp đặt biệt quan trọng

Việc sử dụng phương pháp siêu âm tim là đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch. Phương pháp này cho phép bác sĩ tiếp cận những thông tin quan trọng về cấu trúc và hoạt động của tim mà không gây ra bất kỳ đau đớn hay nguy hiểm nào cho bệnh nhân. Những thông tin thu được từ siêu âm giúp các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chính xác và phát triển một liệu trình điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

siêu âm tim
Bác sĩ có thể quan sát được cấu trúc tim, cũng như các hoạt động của tim qua việc siêu âm

3.2 Trong siêu âm ở tim sẽ có một số thông tin như sau:

  • Nhịp tim: Tim hoạt động bình thường từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút.
  • Thay đổi kích thước trái tim: khi van tim bị suy yếu hoặc bị tổn thương, huyết áp cao hoặc các bệnh lý khác có thể làm cho các buồng tim giãn rộng hoặc thành của tim dày lên bất thường.
  • Tổn thương cơ tim: Siêu âm tim giúp bác sĩ phát hiện và chẩn đoán các bất thường trong quá trình tống máu. Giúp chẩn đoán và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khi hoại tử cơ tim kéo dài như nhồi máu cơ tim cấp.
  • Sức bơm: Các phép đo thu được từ siêu âm tim bao gồm phần trăm máu được bơm ra từ tâm thất đầy với mỗi nhịp đập(phân suất tống máu) và thể tích máu được bơm trong một phút (cung lượng tim). Một trái tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể có thể dẫn đến các triệu chứng suy tim.
  • Dị tật: Việc siêu âm tim có thể xác định bất thường tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Vấn đề về van: siêu âm tim có thể giúp bác sĩ xác định xem van tim có đủ rộng để lưu lượng máu đầy đủ hoặc đóng hoàn toàn để ngăn chặn rò rỉ máu hay không.
  • Tràn dịch màng tim: Tràn dịch màng ngoài tim là biểu hiện thường gặp của bệnh màng ngoài tim nguyên phát hoặc do quá trình bệnh lý của cơ thể. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu không chữa trị, tràn dịch màng tim có thể gây ra suy tim.

4. Tìm hiểu các kiểu siêu âm tim

4.1. Siêu âm tim kiểu 2D

  • Hình ảnh siêu âm 2D thu được khi chùm tia siêu âm đi qua 1 mặt cắt của tim, qua đó đánh giá được vị trí và tư thế của tim, kích thước của các buồng tim, độ dày và vận động của các thành tim, chức năng giãn và co bóp của cơ tim, các gốc mạch lớn, hình thái và vận động của các van tim, các lỗ khuyết của các vách ngăn trong tim, u hoặc huyết khối trong tim, dịch màng ngoài tim. 
  • Các mặt cắt thường được sử dụng trong siêu âm 2D gồm: mặt cắt trục dọc cạnh ức trái, các mặt cắt trục ngang cạnh ức trái, các mặt cắt từ mỏm tim, mặt cắt trên hõm ức, mặt cắt dưới bờ sườn.
  • Siêu âm kiểu 2D, mặt cắt 4 buồng từ mỏm tim, thấy nhĩ trái (LA), thất trái (LV), nhĩ phải (RA), thất phải (RV), van 2 lá (MV), van 3 lá (TV), van động mạch chủ (AV). Ngoài ra còn thấy vách liên nhĩ và vách liên thất.
siêu âm tim
Siêu âm theo phương pháp 2D

4.2. Siêu âm kiểu TM (M mode)

  • Vì tim vận động liên tục theo chu kỳ tâm thu và tâm trương, các van tim cũng vậy, nên khi quét chùm tia siêu âm đi qua 1 thành phần giải phẫu của tim theo 1 vận tốc nhất định, ta sẽ thu được hình ảnh của thành phần đó có dạng sóng. Với kiểu TM, do định vị được các thời điểm trong chu chuyển tim: tâm thu, cuối tâm thu, tâm trương, cuối tâm trương nên việc đo các kích thước và chức năng co bóp của tim rất chính xác. Các lát cắt chủ yếu trong siêu âm M mode là lát cắt trục dọc cạnh ức trái…, dựa trên hình ảnh 2D, trục ngang cạnh ức trái, dịch chuyển thanh định hướng (cursor) tới vị trí cần khảo sát để thu được hình ảnh tim mạch.
  • Siêu âm kiểu TM, lát cắt trục dọc cạnh ức trái, cursor ỏ sát đầu tận cùng van hai lá, đo được đường kính thất trái cuối tâm trương (LVDd), đường kính thất trái cuối tâm thu (LVIDs), qua đó tính chức năng tâm thu thất trái (EF). Ngoài ra còn đo được kích thước thất phải, độ dày của thành thất trái ở tâm trương (IVSd và LVPWd) và tâm thu (IVS và LVPWs).
siêu âm tim
Phương pháp siêu âm theo kiểu TM

4.3. Siêu âm tim 3D, 4D

  • Khác với siêu âm 2D, khi hình ảnh thu được theo không gian 2 chiều, tức là trên 1 mặt phẳng, đầu dò siêu âm 3D, 4D các tinh thể áp điện theo ma trận, để thu được hình ảnh siêu âm theo không gian 3 chiều (hình khối), gọi là siêu âm 3D. Nếu có thêm chiều chuyển động (chiều thời gian) thì ta có siêu âm 4D.
  • Siêu âm 4D cung cấp hình ảnh sinh động, toàn diện, dễ hình dung hơn siêu âm 2D, đặc biệt quan trọng trong các bệnh lý sau: van động mạch chủ, van 2 lá (nhất là trong kỹ thuật mitraclip: kẹp van hai lá bị hở mà không cần phẫu thuật), thông liên nhĩ, đánh giá thất trái…
  • Thời điểm hiện tại người bệnh đa số chọn siêu âm 4D nhiều hơn vì đem lại kết quả chuẩn xác hơn.

4.4. Siêu âm Doppler tim

  • Khi chùm tia siêu âm đi qua 1 vật thể chuyển động sẽ sinh ra hiệu ứng Doppler. Hiệu ứng Doppler là đại lượng phản ánh vận tốc của vật thể chuyển động được thu nhận, xử lý và biểu hiện qua dạng âm thanh, dạng sóng hoặc mã hóa thành màu. 
  • Trong siêu âm Doppler tim, hiệu ứng Doppler phản ánh vận tốc chuyển động của dòng máu và của cơ tim. Dòng máu đi qua chỗ hẹp có vận tốc lớn, khi đó tín hiệu âm thanh sẽ có âm lượng lớn và âm sắc cao, tín hiệu dạng sóng sẽ có biên độ lớn. 
  • Với Doppler màu, dòng máu được mã hóa thành màu đỏ nếu đi về phía đầu dò và thành màu xanh khi đi xa đầu dò, theo đó sẽ phát hiện được các dòng máu bất thường trong tim. Nói một cách khác, siêu âm Doppler tim là phương tiện rất hữu hiệu trong đánh giá huyết động qua các van tim, phát hiện các dòng máu bất thường trong tim và tình trạng vận động của cơ tim.
siêu âm tim
Phổ Doppler liên tục của hẹp nặng van động mạch chủ

4.5. Những lưu ý khi đi siêu âm mà các bạn cần biết

  • Khi siêu âm, người bệnh sẽ cởi áo để thăm khám bệnh, bác sĩ dùng một đầu dò có sóng siêu âm di chuyển xuyên qua da ngực hướng về tim. 
  • Khi siêu âm, người bệnh nên nằm nghiêng trái, bác sĩ thoa gel lên vùng cơ thể nơi đầu dò có sóng siêu âm tiếp xúc để hạn chế không khí chen vào giữa đầu dò và da bệnh nhân. Kết quả siêu âm sẽ được thể hiện bằng hình ảnh hiển thị trên máy tính.
  • Siêu âm có thể được tiến hành trong khoảng 15-30 phút, người bệnh có thể nằm nghiêng một bên theo sự chỉ định của bác sĩ.

4.6. Những tác dụng phụ sau khi siêu âm

Đây là phương pháp kiểm tra, chẩn đoán tim mạch hiện đại, cho hình ảnh rõ nét, chẩn đoán bệnh chuẩn xác. Hơn nữa phương pháp siêu âm thông qua ngực không gây ra đau, không có biến chứng, chỉ có thể gặp một số tác dụng phụ như sau:

  • Trong trường hợp có gắn các điện cực theo dõi điện tim cùng lúc thì người bệnh sẽ cảm giác khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ băng dính gắn các điện cực trên ngực.
  • Việc gắng sức hay dùng thuốc trong siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp đập tạm thời chứ không phải do siêu âm tim.
  • Cổ họng đau trong vài giờ nếu siêu âm thông qua thực quản, hiếm trường hợp ống siêu âm làm xước cổ họng bên trong. Trong quá trình siêu âm, có thể bạn sẽ gặp phải vấn đề hô hấp do thuốc an thần hoặc lượng oxy hít thở.
siêu âm tim
Phương pháp siêu âm thông qua thực quản

Tất cả những thông tin trên là lưu ý, các dạng siêu âm tim, vai trò của phương pháp này liên quan đến sức khỏe của mỗi con người. Trong cuộc sống thì sức khỏe là quan trọng nhất, khi cơ thể không được khỏe, nên đi thăm khám bác sĩ. Trước khi đi bạn nên tìm những bệnh viện, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng, uy tín thăm khám, thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình.

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây