Sự Im Lặng Trong Gia Đình Có Phải “Mồ Chôn” Của Hạnh Phúc?

0
2687

Sự im lặng của gia đình dường như thường có xu hướng tiêu cực, dù ít hay nhiều. Bởi gia đình luôn được xem là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc, nhưng nếu một ngày bạn nhận ra không khí trong gia đình bỗng trở nên im lặng một cách bất thường, thì chuyện gì đã xảy ra? 

1. Sự im lặng trong gia đình

Gia đình luôn được nghĩ đến với hình tượng một nơi ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Thế nhưng điều đó không có nghĩa rằng gia đình là nơi khó xảy ra những mâu thuẫn hay rạn nứt. Các dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề thường là những sự bất đồng quan điểm, những cuộc cãi vã, sau đó là sự im lặng kéo dài.

Sự im lặng trong gia đình thường đến từ một điều bất mãn nào đó mà thành viên trong gia đình cảm thấy không tiện để nói ra, hoặc nếu có nói ra cũng không có ý nghĩa, vậy nên họ chọn cách chiến tranh lạnh để phớt lờ nó. Chính sự lặng im này lại vô tình khiến cho không khí trở nên lạnh lẽo, mối quan hệ giữa các thành viên bị rạn nứt.

Sự im lặng thường là biểu hiện cuối cùng trong các dấu hiệu có thể có khi một vấn đề xuất hiện, vì thế, việc giải quyết triệt để nó là cần thiết, nhằm chấm dứt vấn đề hiện tại và giảm đi áp lực cho những người trong cuộc.

2. Sự im lặng của người chồng

im lặng
Sự im lặng của người chồng

2.1 Sự lặng thinh là có nguyên nhân

Người đàn ông trong gia đình thường luôn là người ít nói nhất, vì vậy mà khi họ chọn cách im lặng, cần một khoảng thời gian nhất định để có thể nhận ra. Nhưng cũng không quá khó để nhận ra điều đó, vì sự im lặng ở người đàn ông trong gia đình thường sẽ đi kèm những biểu hiện khác, điển hình là sự kém quan tâm đến các việc gia đình, thái độ hời hợt đối với vợ con, đồng thời ngừng chia sẻ về công việc đang làm.

Sự im lặng của một người đàn ông trong gia đình thường xuất phát chủ yếu từ việc họ có một mối quan tâm khác, to lớn hơn, hoặc quan trọng hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên vội kết luận những người đàn ông này vì sao mà trở nên như vậy, vì nguyên nhân đối với từng người sẽ có thể khác nhau dựa trên tình trạng hiện tại của gia đình.

2.2 Thường xuất phát từ những nghi ngờ

Trong một gia đình có kinh tế ổn định, con cái đầy đủ, sự im lặng của người đàn ông thường được cho là xuất phát từ một mối quan tâm khác dành cho một mối quan hệ bên ngoài, cụ thể chính là “bồ nhí”. Các bà vợ hay ghen thường luôn lập luận chắc nịch rằng, chồng mình chính vì có tình nhân bên ngoài mà đã phớt lờ gia đình, vốn đã ít tiếng giờ còn lạnh nhạt với vợ con.

Trong một gia đình chưa có con cái hoặc điều kiện kinh tế chưa ổn định, việc người đàn ông trở nên im lặng thường được cho là xuất phát từ việc họ tập trung toàn bộ công sức cho mục đích công việc, nhằm cải thiện cuộc sống của gia đình, hoặc chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại như có em bé chẳng hạn.

Dĩ nhiên tất cả cũng chỉ là suy đoán, không thể dựa trên hoàn cảnh mà nói chắc được sự im lặng của những người đàn ông đến từ đâu. Họ là người ít tiếng kiệm lời, nhưng thường bao dung rộng lượng. Họ hiếm khi không nói vì chấp vặt một điều gì không vừa ý trong gia đình, mà sẽ bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn. Còn khi họ đã chọn không nói nghĩa là vấn đề đó thực sự nghiêm trọng.

3. Sự im lặng của người vợ

im lặng
Sự im lặng của người vợ

3.1 Người vợ được cho là người “giữ lửa” cho mái ấm gia đình

Nói thế là vì họ đảm nhận việc tạo nên không khí vui vẻ trong nhà, chăm lo nhà cửa và gắn kết mọi người với nhau, chứ không phải bởi họ suốt ngày nấu ăn trong nhà bếp nhé. Họ thường được cho là người nói nhiều nhất trong nhà, nhưng những người này cũng có khi im lặng.

Sự im lặng của người phụ nữ trong gia đình rất dễ dàng nhận ra. Vì là “người giữ lửa”, một khi họ trở nên kín tiếng, không khí gia đình sẽ lập tức trùng xuống, trở nên lạnh lẽo và khó chịu. Sự im lặng của phụ nữ thường đến từ rất nhiều nguyên nhân, có thể thuộc mức độ nhẹ cũng có thể thuộc mức độ nặng.

3.2 Sự lặng thi của một người phụ nữ có rất nhiều nguyên nhân

Ở mức độ nhẹ nhất, người phụ nữ sẽ thường hay ít nói hoặc không nói vì hờn giận chồng một điều gì đó. Dĩ nhiên, dù đã là vợ chồng vẫn sẽ có những lúc hai người không hiểu nhau. Người đàn ông thường ít nhạy cảm và tinh tế hơn người phụ nữ, nên đôi lúc khiến họ buồn lòng. Người phụ nữ cũng hiểu điều đó, nhưng họ cần thời gian để chấp nhận những khuyết điểm trong sự tinh tế của người bạn đời, nên những khoảng im lặng thường xảy ra. 

Ở mức độ cao hơn, người phụ nữ sẽ im lặng khi người đàn ông bất đồng quan điểm với họ và giữa họ đã xảy ra một cuộc tranh cãi nảy lửa. Lúc này đây. người phụ nữ sẽ chọn cách im lặng để tự mình hàn gắn những tổn thương mà cuộc cãi vã đã gây ra, đồng thời suy nghĩ tìm cách giải quyết ổn thỏa cho câu chuyện hai người.

Ở mức độ cao nhất, sự lặng thinh của người phụ nữ trong gia đình thể hiện sự bất lực và thất vọng đến cùng cực. Lúc này, họ không chọn im lặng để tự chữa lành hay tìm cách giải quyết nữa, mà họ đã quyết định chấp nhận hiện tại đổ vỡ và buông xuôi mọi thứ. Họ không lên tiếng vì họ cảm thấy điều đó vô nghĩa, hoặc không xứng đáng là việc họ nên làm.

3.3 Người phụ nữ tuy không thẳng thắn như đàn ông

Tuy nhiên nếu có bất mãn điều gì lớn, họ cũng sẽ bày tỏ nó theo một cách tinh tế nhất. Thế nhưng, nếu việc này không có tác dụng, họ cũng sẽ im lặng để người đàn ông chịu “động não” vì mình. Cũng không thể chắc rằng, phụ nữ chỉ im lặng khi gặp những trường hợp kể trên, có rất nhiều trường hợp khác mà trong đó người phụ nữ cũng chọn cách không lên tiếng.

4. Sự im lặng của con cái

im lặng
Sự im lặng của con cái

4.1 Hãy quan tâm đến những đứa trẻ đột nhiên không nói

Khi một gia đình bắt đầu có con, sự im lặng giữa vợ chồng sẽ giảm đi đáng kể, vì họ biết mình phải cố gắng chăm lo cho mục tiêu mới này, thay vì sự hời hợt không đáng có. Thế nhưng khi những đứa trẻ lớn hơn đến độ tuổi có đủ nhận thức và những quan điểm của riêng mình, chúng cũng có thể trở nên ít nói vì nhiều nguyên nhân thường thấy.

Bất đồng quan điểm với bố mẹ là điều đầu tiên thường thấy. Vì bố mẹ và con cái dù ở chung một nhà, nhưng họ vẫn là những con người thuộc hai thế hệ khác nhau. Có những giá trị đúng ở thời của bố mẹ, nhưng đã không còn đúng đối với con cái nữa. Bố mẹ lại thường hay cho rằng “trứng mà đòi khôn hơn vịt”, thế là sự im lặng của con cái bắt đầu xuất hiện.

4.2 Sự không quan tâm của bố mẹ cũng se bị ảnh hưởng đến trẻ

Con trẻ cũng thường hay trầm đi khi bố mẹ quá bận bịu mà không để tâm đến chúng. Việc này về lâu về dài khiến chúng hình thành tâm lý “bất cần” trong đời sống tinh thần đối với bố mẹ. Chúng dường như đã quen với việc ở một mình và tâm sự với ai đó không phải là bố mẹ. Vì vậy, dù có muốn, chúng dường như không thể mở lời, và nếu có nói ra, chưa chắc gì bố mẹ đã hiểu được chúng.

Sự im lặng của con cái thường bị phớt lờ trong một số gia đình. Không phải vì bố mẹ không nhận ra, mà họ ở một khía cạnh nào đó cho rằng những đứa trẻ không có quyền làm như thế. Bố mẹ đã có công sinh chúng ra, chúng phải luôn biết ơn, nếu có vấn đề chúng phải tự giác mà trình bày, còn bố mẹ không việc gì phải vừa nuôi đời sống vật chất, còn phải lo cả đời sống tinh thần cho chúng nữa.

Những điều trên thường kéo dài thêm khoảng cách giữa hai thế hệ trong gia đình. Không nói trong ngắn hạn có thể dễ dàng giải quyết, nhưng trong dài hạn thì không. Việc gì lâu quá cũng sẽ trở thành thói quen, im lặng cũng như thế. Mặc dù có thể nó không làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, nó sẽ tạo nên khoảng cách giữa các thành viên, và những vết nứt trong mối quan hệ mà không thể nào hàn gắn được.

5. Làm sao phá vỡ sự im lặng không đáng có?

im lặng
Giải quyết sự im lặng không đáng có

5.1 Hãy nhớ điều gì cũng có cánh giải quyết

Sự im lặng cũng có mặt tích cực của nó. Khi một người lắng lại chính là lúc họ tập trung sức lực cho một mối quan tâm nhất định, là khoảng thời gian để nhìn nhận và soi xét lại bản thân, cũng như tập trung tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình. Thế nhưng, ở mặt khác, những sự im lặng như những ví dụ nêu trên là những sự im lặng không đáng có. Làm cách nào có thể giải quyết chúng?

5.2 Giải quyết vấn đề

Việc đầu tiên cần làm chính là xác định mục tiêu của việc giải quyết này. Bạn muốn gì sau khi sự im lặng này biến mất. Đó có thể không cần là một mục tiêu hàn gắn, nhưng phải là một mục tiêu rõ ràng. Ví dụ bạn đang trong một mối quan hệ bế tắc, cả hai đều im lặng và chịu những tổn thương từ mối quan hệ này. Thế thì bạn nên xác định rõ rằng, bạn sẽ tiếp tục duy trì hay loại bỏ mối quan hệ này ra khỏi cuộc sống của bạn.

Sau khi xác định được mục tiêu, hãy ngồi lại với nhau để nói chuyện một cách thẳng thắn. Trong lúc này, đừng vội đánh giá điều gì mà hãy lắng nghe một cách trọn vẹn. Bạn có thể cho rằng mình không có lỗi trong sự im lặng của con, nhưng bạn đã bao giờ lắng nghe con nói về nguyên nhân có sự im lặng đó chưa? Hãy lắng nghe và cảm nhận trước khi cho rằng ai đúng ai sai bạn nhé.

Bước quan trọng cuối cùng chính là nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Điều kiện tiên quyết chính là người tham gia buổi nói chuyện này phải nhìn nhận vấn đề, lỗi lầm của mình, không dùng lý do để bao biện cho lỗi sai của bản thân. Bạn phải hiểu rằng, không có ai là chưa từng phạm lỗi. Việc phạm lỗi không hề đáng trách, cái đáng trách chính là có lỗi mà không chịu nhận và tìm cách đổ lỗi cho người khác.

6. Lời kết

Sự im lặng là điều chúng ta nên và cần quan tâm lẫn nhau. Tất cả mọi người cần có thái độ hợp tác để cùng hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề. Và chú ý rằng nên giải quyết sự im lặng càng sớm càng tốt, vì nếu càng lâu, thì gốc rễ của nó càng ăn sâu lan rộng trong mối quan hệ của gia đình, biến thành “mồ chôn của hạnh phúc”. Hãy thẳng thắn nhìn nhận vấn đề thay vì trốn tránh, điều đó sẽ giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn và hạn chế những sự im lặng có thể xảy ra trong tương lai.

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Nếu bạn đang gặp vấn đề với sự im lặng trong gia đình, hãy giải quyết nó nhanh chóng nhé. Chúc gia đình bạn luôn hạnh phúc và tràn ngập niềm vui.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây