Thiếu Máu Lên Não – Một Trong 3 Bệnh Nguy Hiểm Nhất Ở Người

0
1096

Thiếu máu lên não (thiếu máu não) hay thiểu năng tuần hoàn não là căn bệnh thường hay xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên, bệnh đang dần “trẻ hóa” khi ngày càng có nhiều người trong độ tuổi sau 20 gặp phải các triệu chứng của căn bệnh này. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?

1. Thiếu máu lên não là gì?

Thiếu máu lên não còn có tên gọi khác là thiếu máu não hay thiểu năng tuần hoàn não, là một căn bệnh khiến cho lưu lượng máu truyền lên não bị giảm thiểu, từ đó thiếu đi nguồn chất dinh dưỡng và oxy để nuôi dưỡng và duy trì các hoạt động của não bộ. Điều này khiến não hoạt động kém hiệu quả hơn, đồng thời buộc não phải làm việc trong điều kiện không đủ năng lượng, lâu ngày sẽ gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống thần kinh trung ương.

Thiếu máu lên não thường được cho là một căn bệnh của người lớn tuổi hay người già, tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng căn bệnh này đang ngày càng phổ biến hơn trong những người trẻ. Thậm chí, có những bạn trẻ chỉ mới chập chững hơn 20 tuổi đã phải trải qua những triệu chứng của căn bệnh này. Tuy nhiên, sự quan tâm dành cho căn bệnh này thường chưa được đặt đúng mức.

Não bộ là cơ quan quan trọng hàng đầu trong việc điều khiển sự phối hợp nhịp nhàng của cơ thể. Khi sức khỏe não bộ trở nên không ổn định, sức khỏe tổng quan của cơ thể cũng sẽ vì thế mà đi xuống. Mặt khác, thiếu máu lên não có thể gây ra nhiều hệ lụy to lớn. Việc phát hiện sớm các triệu chứng để phòng ngừa và điều trị kịp thời là sự ưu tiên hàng đầu.

2. Các biểu hiện của bệnh thiếu máu lên não

thiếu máu lên não
Các biểu hiện của chứng thiếu máu lên não

Vì bản chất của bệnh chính là lưu lượng máu bơm về não bị giảm tải, thế nên bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các biểu hiện lên quan đến sức khỏe ở vùng trên của cơ thể, rõ rệt nhất là ở phần đầu. Các biểu hiện thường thấy của căn bệnh thiếu máu lên não đó là:

  • Đau đầu: Cơn đau đầu của bệnh thường là những cơn đau dài, dai dẳng và lan tỏa khắp cả vùng đầu. Người mang bệnh luôn cảm thấy có thứ gì rất nặng trong đầu.
  • Chóng mặt, buồn nôn: Tuần hoàn máu lên não kém khiến cho hoạt động của hệ thần kinh bị ảnh hưởng, từ đó gây ra cảm giác chóng mặt, mất phương hướng và đôi khi là tối sầm mặt trong thoáng chốc. Biểu hiện này có thể xuất hiện trong vài phút, nhưng có thể kéo dài lên đến vài ngày nếu bệnh nặng.
  • Rối loạn giấc ngủ: Não đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa trạng thái ngủ của cơ thể, não hoạt động kém hiệu quả do thiếu máu lên não, giấc ngủ cũng sẽ trở nên bất bình thường. Người bệnh sẽ dễ gặp tình trạng mất ngủ giữa đêm, tuy nhiên lại buồn ngủ vào buổi sáng, cả đêm không ngủ được, sáng lại ngủ gật vô cùng khó chịu.
  • Ù tai, giảm thính giác, giảm thị giác: Khi thiếu lượng máu cần thiết lên não, điều đó đồng nghĩa với việc các cơ quan gần kề cũng bị ảnh hưởng. Lượng máu đến tiền đình óc tai cũng như các cơ quan điều tiết mắt bị giảm đi đáng kể, khiến hoạt động tại các cơ quan này trở nên kém hiệu quả, gây ra trạng thái mắt mờ, nghe kém,…
  • Rối loạn cảm giác: Não bộ giúp kiểm soát các hoạt động cảm giác của cơ thể, não hoạt động kém gây ra các biểu hiện như cảm giác đau, tê nhức, châm chích như kiến bò,…
  • Cơ thể mệt mỏi: Như đã nói, não là cơ quan điều khiển sự phối hợp của toàn bộ cơ thể, khi sự điều khiển kém hiệu quả khiến sự phối hợp có nhiều sai lệch sẽ dẫn đến sự giảm sút chung trong thể trạng của cả cơ thể, gây ra sự mệt mỏi, uể oải.
  • Giảm trí nhớ: Thiếu máu lên não ảnh hưởng nặng nề đến khả năng ghi nhớ của bản thân, vì chất lượng giấc ngủ đi xuống nên sự hình thành ký ức theo đó cũng giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến cả sự ghi nhớ trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

3. Nguyên nhân của thiếu máu lên não?

Như chúng ta đã biết, thiểu năng tuần hoàn não gây ra do sự giảm tải lưu lượng máu truyền lên não, đó rất có thể là do ảnh hưởng xấu từ các căn bệnh khác bên trong cơ thể hoặc chế độ sinh hoạt không lành mạnh. Một vài nguyên nhân có thể kể đến như là:

3.1. Xơ vữa động mạch: 

thiếu máu lên não
Xơ vữa động mạch gây ra thiếu máu lên não

Hơn ⅘ các trường hợp bệnh thiếu máu lên não có nguyên nhân bắt nguồn từ xơ vữa động mạch. Chúng khiến cho thành mạch hẹp lại, hạn chế lưu lượng máu được bơm về não. Phần lớn tình trạng xơ vữa động mạch bắt nguồn do nguyên nhân tuổi tác, tuy nhiên một lượng không nhỏ các trường hợp có nguyên nhân bắt nguồn từ các gốc tự do. 

Các gốc tự do này có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân rất phổ biến trong đời sống. Bạn sẽ hốt hoảng nhận ra mình đã và đang làm những việc này mỗi ngày. Đó chính là:

  • Căng thẳng ngoài kiểm soát hay còn gọi là stress
  • Những cú sốc tâm lý trong đời sống hàng ngày
  • Tính hay nóng giận
  • Sử dụng nhiều chất kích thích, nhất là bia rượu
  • Hút thuốc lá
  • Lao động quá sức

3.2. Chấn thương cột sống, thoái hóa đốt sống cổ

Con đường dẫn máu từ tim lên não sẽ đi qua vùng cổ. Khi các đốt sống sống cổ bị chấn thương hay thoái hóa, chúng sẽ chèn ép lên các mạch máu, làm cho quá trình vẫn chuyển máu lên não trở nên khó khăn hơn rất nhiều, từ đó mà dẫn đến căn bệnh thiếu máu lên não.

Các chấn thương này không chỉ đến từ tuổi tác, mà nó còn là hậu quả của việc ngủ và kê đầu sai cách hoặc ngủ sai tư thế. Ví dụ khi bạn kê gối quá cao, đốt sống ở phần cổ sẽ bị đặt sai lệch nhiều so với tổng thể, lâu ngày sẽ khiến các đốt sống này bị chấn thương hoặc thoái hóa, chèn ép dây thần kinh gáy và tạo ra sự thiếu hụt lưu lượng máu lên não.

3.3. Bệnh tim mạch

thiếu máu lên não
Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân chính gây ra thiếu máu lên não

Tim và não có liên quan mật thiết với nhau, vì tim chịu trách nhiệm cung cấp các chất dinh dưỡng và oxy để não duy trì các hoạt động kiểm soát đối với toàn bộ cơ thể. Khi tim gặp các bệnh lý hay tổn thương, sự lưu chuyển này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tim chịu trách nhiệm chính là bơm máu, vì vậy một khi bạn mắc phải các bệnh lý tim mạch, thiếu máu lên não sẽ như một căn bệnh đi kèm theo mà không hề khó giải thích.

Theo những nghiên cứu đã được công bố, não tiêu thụ đến 20% dưỡng khí của toàn bộ cơ thể. Sau 10 giây kể từ lúc thiếu hụt oxy, não trở nên rối loạn. Sau khoảng 4 phút trong tình trạng này, các tế bào não sẽ dần chết đi mà không thể khôi phục được. Việc giữ cho tim được khỏe mạnh là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa bệnh lý thiếu máu lên não.

3.4. Lười vận động

Không phải tự nhiên mà thói quen luyện tập thể dục thể thao luôn được khuyến khích ở bất kỳ lứa tuổi nào. Việc vận động thường xuyên giúp cho hệ tuần hoàn trong cơ thể hoạt động trơn tru và khỏe mạnh, tăng sự trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường, tim được cung cấp nhiều oxy hơn từ phổi và não từ đó cũng được nuôi dưỡng tốt hơn.

Vì vậy, rất dễ hiểu khi mà thói quen lười vận động sẽ làm suy giảm sức khỏe não bộ. Khi bạn vận động, nhất là khi luyện tập các bài thể dục, một loại hoocmon hưng phấn có tên là endorphins sẽ được tạo ra trong não, khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc và tràn trề năng lượng. Ở chiều ngược lại, khi thiếu vắng đi hoocmon này, cả cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái uể oải, chậm chạp và kém năng suất.

3.5. Chế độ ăn uống bất hợp lý

Những gì mà chúng ta trực tiếp tiêu thụ qua đường ăn uống sẽ có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe não bộ nói riêng. Khi bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa cholesterol – một chất sáp có thể được tìm thấy trong máu và toàn bộ các cơ quan khác của cơ thể – bạn thường có nguy cơ cao mắc phải các bệnh tim mạch và xơ vữa động mạch.

Về bản chất, cholesterol không hề xấu đối với cơ thể nếu chúng được dữ trữ ở một mức cho phép, chúng đồng thời cũng không trực tiếp tác động lên não bộ. Cholesterol được chia làm hai loại là LDL và HDL. HDL chịu trách nhiệm thu gom các cholesterol dư thừa trong máu về dự trữ ở gan nên được gọi là các cholesterol tốt, còn LDL vận chuyển cholesterol từ gan đến các cơ quan nên được gọi là các cholesterol xấu.

Hàm lượng LDL quá nhiều sẽ khiến tạo ra sự tích tụ mảng bám dẫn đến xơ vữa động mạch, từ đó không chỉ ảnh hưởng gián tiếp gây ra căn bệnh thiếu máu lên não mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác.

4. Cách phòng tránh thiếu máu lên não

  • Việc khám sức khỏe định kỳ là việc làm cần thiết đối với các căn bệnh nói chung và nhất là thiếu máu lên não nói riêng. Vì những triệu chứng của căn bệnh này khá giống với các căn bệnh thông thường, chúng ta thường phớt lờ chúng. Nhất là những người trẻ luôn có thái độ cho rằng bản thân chưa đến giai đoạn lão hóa thì chưa thể mắc bệnh được.
thiếu máu lên não
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm chứng thiếu máu lên não
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Bạn nên xây dựng cho mình một thực đơn khoa học và lành mạnh, tăng cường chất xơ và hạn chế các loại thịt đỏ chứa nhiều cholesterol xấu. Bên cạnh đó, hãy giữ cho bản thân một tinh thần thoải mái, lạc quan khi xử lý bất kỳ khó khăn nào. Hãy chịu khó dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập các bài thể dục đơn giản tại nhà để giúp hệ tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn.
thiếu máu lên não
Chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp phòng tránh chứng thiếu máu lên não
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho não: Bạn có thể tập trung vào các loại thực phẩm tốt cho não, trong trường hợp bạn không có thời gian, hãy lựa chọn các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng chứa các chất tăng cường hoạt động của não.
thiếu máu lên não
Các loại thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị chứng thiếu máu lên não

Thiếu máu lên não có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đáng sợ như đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não, các biến chứng này dù có được điều trị thì vẫn sẽ để lại biến chứng nặng nề như liệt nửa người, mất giọng nói hoặc giảm trí nhớ. Vì thế, cách tốt nhất chính là nên có chế độ sinh hoạt và thăm khám hợp lý. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích, chúc bạn luôn vui khỏe và hạnh phúc.

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây