Thức Khuya – Người Ta Tìm Kiếm Điều Gì Trong Màn Đêm U Tối

0
1521

Việc thức khuya từ trước đến nay đều bị xem là việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, có một sự thật rằng dường như bất kỳ ai cũng từng hoặc sẽ trải qua một giai đoạn mà trong đó, việc thức khuya giống như một phần tất yếu của cuộc sống.

1. Mặc khác của việc thức khuya

Bất kể việc gì cũng có hai mặt của nó, và thức khuya thì cũng vậy. Thế nhưng, “mặt kia” dường như chưa bao giờ nhận được cái nhìn thiện cảm từ “người ngoài cuộc”. “Người ngoài cuộc” ở đây chính là những người không bao giờ hoặc chưa đến lúc bị buộc phải thức , còn những “người trong cuộc” thì hiểu được rằng, thức khuya cũng có những lợi ích của riêng nó.

Khi màn đêm buông xuống che lấp hết mọi thứ cũng chính là lúc một ngày dài được gác lại. Lúc này đây, người ta thường sẽ chỉ tập trung vào một số việc nhất định. Có một nghịch lý chung trong chính những “người trong cuộc” kể trên, đó là họ thường thức khuya để tìm ra cách giải quyết cho vấn đề của mình, như thể tìm một luồng sáng cứu rỗi giữa màn đêm u tối.

thức khuya
Mặt khác của việc thức khuya

2. Người ta thức khuya để làm gì?

Những người thức khuya thường chia thành hai nhóm: thức khuya rảnh rỗi và thức khuya bận bịu. Nhóm “rảnh rỗi” gồm những người thức để nghe nhạc, xem phim, “đu idol” hoặc chỉ đơn giản vì cả ngày đã ngủ quá nhiều nên không thể ngủ thêm được. Còn nhóm thức khuya bận bịu vì những nguyên nhân dưới đây:

2.1. Thức khuya cùng với công việc

thức khuya
Thức khuya cùng công việc

Áp lực công việc đè nặng

Đây có lẽ là trường hợp hay gặp nhất trong số các nguyên nhân khiến một người ngủ muộn. Áp lực công việc cũng có đôi lúc khiến người ta phải tỉnh táo, như chính những lúc này đây. Ai đang đi làm hẳn sẽ rất thấu hiểu tình cảnh này. Nhiều người trong nhóm “bận bịu” này chính là chuyển từ nhóm “rảnh rỗi” sang – do “đu idol” mà bỏ bê deadline nhiều quá, thế là đến lúc trở thành người thức khuya bận bịu.

Những người ngủ muộn cùng với công việc thường sẽ tốn thời gian nhiều hơn

Vì một nửa thời gian đó họ dành để tưởng nhớ và tiếc nuối chuỗi ngày còn thảnh thơi thức khuya rồi thoải mái “ngủ một giấc mà không cần báo thức”. Nói thì nói vậy thôi, nhưng không phải tất cả đều là “cá mè một lứa”.

Biết đâu trong số đó, có những người mẹ đang cố gắng làm cho xong công việc vì cả ngày bận phải chăm con. Biết đâu, cô học trò nhỏ đang thức khuya cố gắng ôn luyện thật tốt để mai này thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Hay biết đâu, cậu sinh viên nghèo, đang miệt mài dưới ánh đèn khuya, cặm cụi trên từng trang sách dù mới trở về sau giờ làm thêm mệt nhoài.

Thế đấy, việc gì thì cũng “có this có that”

Đừng vội lên án một người khi thấy họ thức khuya, trước hết hãy hỏi họ làm vậy để làm gì. Biết đâu đằng sau việc ngủ trễ đó, là những nổi niềm chúng ta cần phải thấu hiểu. Đối với những việc làm bất khả kháng, một lời động viên sẽ có giá trị hơn một lời chê trách gấp trăm lần.

2.2. Thức khuya tìm kiếm sự sáng tạo

thức khuya
Thức khuya tìm kiếm sự sáng tạo

Một bộ phận nhỏ trong số những người ngủ muộn cùng deadline chính là nhóm người thức khuya để tìm kiếm những ý tưởng mới cho công việc sáng tạo của mình. Nếu phân tích sâu hơn, có lẽ ngủ muộn để tìm giải pháp là vô lý, vì não được cho là chỉ hoạt động 50% vào buổi tối, trong khi vào buổi sáng chỉ số này là 90% – 100%. 

Nhưng nếu bạn nhìn theo một khía cạnh khác thì thức khuya để tìm ý tưởng hay giải pháp là hoàn toàn có cơ sở đấy. Tuy ban ngày, não bạn hoạt động ở công suất tối đa, nhưng bạn có bao nhiêu mối bận tâm cần phải san sẻ sự chú ý? Thường thì vào ban ngày, bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều người và giải quyết nhiều công việc hơn, chính vì thế, sự tập trung của bạn sẽ bị phân tán, khiến bạn đôi lúc không tìm ra được ý tưởng hay giải pháp tối ưu.

Ngược lại, khi thức khuya, dù não hoạt động với hiệu suất thấp hơn, nhưng khi tất cả mọi thứ khác đã bị màn đêm “che phủ”, mức độ tập trung của bạn vào vấn đề là cực kỳ cao. Thế nên, nếu bạn vô tình nảy ra một ý tưởng hay giải pháp hay ho giữa đêm muộn thì không phải não bạn hoạt động bất thường đâu, mà thật ra có nguyên do cả đấy.

2.3. Thức khuya để giải tỏa tinh thần

thức khuya
Thức khuya để giải tỏa tinh thần

Màn đêm cho tất cả chúng ta một không gian để lắng đọng và chắt lọc những cảm xúc trong tâm hồn, chúng ta nhìn lại chúng, giữ lại những cảm xúc tích cực và buông bỏ những cảm xúc tiêu cực vào màn đêm. Thế nên, người sống nội tâm hay người nhiều tâm sự thường thức khuya là do vậy.

Màn đêm là nơi cất giữ nhiều bí mật nhất, vì đêm muộn cũng là lúc người ta dễ bộc lộ những nổi niềm cảm xúc nhất. Thức khuya cũng là lúc người ta có thể lắng nghe nhau, nếu tốt hơn, họ có thể tìm cho mình những tâm hồn đồng điệu. 

Nếu giấc ngủ có tác dụng mang lại sự hồi phục cho thể chất, thì thức khuya lại mang đến sự hồi phục cho tinh thần. Chúng ta lấy lại năng lượng tinh thần đã mất từ khoảng tĩnh lặng dường như vô hạn của màn đêm, sạc lại tinh thần từ cái dáng vẻ an yên của nó. Màn đêm trong tâm trí “người ngoài cuộc” cứ như một “nhà tù”, nhưng chỉ những “người trong cuộc” mới thấy được nó là ngôi nhà bảo vệ họ khỏi những điều gây phiền nhiễu.

Thức khuya cũng khiến người ta dễ nghĩ về chuyện cũ. Và đó là lúc những “người trong cuộc” hồi tưởng lại những chuyện vui, đồng thời cũng thẳng thắn mà đối diện với những chuyện buồn. Qua đó, những người ngủ trễ lại được cơ hội nhìn lại mình trong quá khứ, để thấy mình có thể phát huy những điều gì, ngẫm nghĩ về giá trị bản thân và cả khắc phục những điều chưa hoàn hảo.

2.4. Thức khuya và bước chuyển tiếp trong hệ tư tưởng

thức khuya
Thức khuya xuất phát từ việc lo nghĩ nhiều hơn

Có những người thức vì công việc, có những người thức vì tình cảm, lại có những người thức để suy nghĩ và băn khoăn về cuộc sống này. Hẳn là ai trong chúng ta cũng từng trải qua giai đoạn này ít nhất một vài lần trong đời, nhất là ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.

Có một sự thật rằng thức khuya để suy nghĩ và băn khoăn về cuộc đời không hề giúp ích hay giải quyết gì cho vấn đề của bạn, nhưng điều này có hoàn toàn vô nghĩa không? Câu trả lời là không nhé.

Tuy sự thật là ngủ muộn để suy nghĩ quá nhiều sẽ không mang đến tác động gì cho tình huống của bạn hiện tại, nhưng chúng ta không thể phụ nhận, đó là bước đầu trong việc thay đổi hệ tư tưởng và thôi thúc hành động. Đây thường là việc xảy ra khi một người bắt đầu suy nghĩ về việc sẽ sống như một người trưởng thành và đang cố gắng để chuyển đổi sang hình tượng mà họ đang suy nghĩ đến.

3. Có nên thức khuya không?

thức khuya
Có nên thức khuya không?

Nếu thức khuya có nhiều lợi ích như đã liệt kê bên trên, vậy thì có nên làm theo không? Câu trả lời là không bạn nhé. Vì không có ai hoàn toàn giống ai cả, điều bạn nên làm chính là nghe theo những dấu hiệu của cơ thể. Nếu bạn thoải mái với việc ngủ muộn và cảm thấy mình tràn trề năng lượng, thì đó chính là khung thời gian dành cho bạn. Còn nếu bạn làm việc năng suất vào buổi sáng, thì không việc gì bạn phải thức cả.

Vậy tại sao lại có những lợi ích kể trên? Đó chỉ là vì bài viết muốn mang đến một góc nhìn khác cho mọi người. Việc thức khuya thật ra không hoàn toàn là có hại và vô ích. Một người có thức đêm hay không không quan trọng, quan trọng chính là họ thức để làm gì.

4. Cách hạn chế tổn hại khi thức đêm và hạn chế mệt mỏi vào hôm sau

Một số người sẽ làm việc vô cùng năng suất và hiệu quả vào ban đêm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực mà việc thức khuya gây ra. Đặc biệt là vào sáng hôm sau, cơ thể sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Vậy nếu bạn là một số những “cú đêm”, thì phải làm sao để hạn chế những tổn hại đến cơ thể? Có một số tips bạn có thể áp dụng cho trường hợp của mình như kể ra sau đây:

4.1. Uống nhiều nước

thức khuya
Thức khuya nhớ uống nước

Nước là thành phần quan trọng, chiếm đến 70% cơ thể. Khi thức khuya, cơ thể chúng ta sẽ dễ bị mất nước, từ đó dẫn đến trì trệ các quá trình, nhất là quá trình giải độc, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Nước ảnh hưởng rất nhiều đến các bộ phận, nhất là da, bởi thế nên những ai thường xuyên ngủ muộn nhưng không cung cấp đầy đủ nước sẽ khiến da nhanh chóng lão hóa kèm theo các vấn đề về sức khỏe khác.

4.2. Ngủ ngắn vào buổi trưa

thức khuya
Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp bạn không kiệt sức khi thức khuya

Bạn nên có những giấc ngủ ngắn vào buổi trưa nếu trong cùng ngày bạn buộc phải thức khuya để hoàn thành các công việc. Các giấc ngủ sẽ giúp bạn hồi phục năng lượng, giấc ngủ trưa sẽ giúp bạn duy trì năng lượng suốt ngày dài, để đến khi bạn ngủ muộn sẽ không bị kiệt sức vì đã dùng hết năng lượng trong ngày.

4.3. Ngủ theo chu kỳ 90 phút

thức khuya
Ngủ theo quy tắc 90 để tránh mệt mỏi sau đêm thức khuya

Nếu bạn phải thức khuya vào tối nay nhưng phải dậy sớm vào ngày mai thì sao? Đừng quá lo lắng, chỉ cần bạn tuân theo quy tắc chu kỳ giấc ngủ thì vấn đề sẽ được giải quyết êm xuôi. Cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra rằng các một giấc ngủ bao gồm nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ thường gồm 90 phút, bắt đầu từ trạng thái mơ ngủ cho đến ngủ sâu. Chỉ cần thời điểm bạn thức dậy là vừa cuối chu kỳ này và đầu chu kỳ sau thì bạn sẽ không cần lo cảm giác mệt mỏi.

Sử dụng nguyên tắc 90 để cài giờ báo thức rất đơn giản. Bạn hãy độ chừng thời gian từ lúc bạn vừa đặt lưng xuống giường cho đến lúc bạn đi vào chu kỳ đầu tiên, sau đó cộng thêm số chu kỳ ngủ mà bạn mong muốn. Ví dụ bạn ngủ lúc 2h sáng, bạn mất 15 phút để đi vào giấc ngủ thì bạn nên dậy vào lúc 5h15 (2 chu kỳ ngủ), 6h45 (3 chủ kỳ ngủ) hoặc 8h15 (4 chu kỳ ngủ). Không cần lo việc thức khuya sẽ bị mệt mỏi vào sáng hôm sau nữa nhé!

5. Lời kết

Bài viết xin khẳng định lại một lần nữa, thức khuya là không hề tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bạn là người phải ngủ muộn một cách bị “ép buộc” hoặc chỉ phù hợp với khung giờ này, hãy nhớ chú ý đến các tips hạn chế tổn hại của việc ngủ trễ nhé. Chúc bạn luôn mạnh khỏe và thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây