Top 5 Kỹ Năng Mềm Nhất Định Phải Học Để Phát Triển Bản Thân

0
1355

Những kỹ năng mềm thường đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của một người, thế nhưng có một nghịch lý rằng, chúng thường ít được nhắc đến trong môi trường học đường, làm cho người ta chưa thực sự xem trọng giá trị của chúng. Để thành công, bạn nhất định phải học những kỹ năng này.

1. Kỹ năng mềm là gì?

Kỹ năng mềm được nhắc đến như tên gọi chung của một nhóm kỹ năng có cùng đặc điểm là khó đo lường được và phụ thuộc tất cả vào yếu tố con người, hay chính xác hơn là yếu tố bản thân. Khác với những kỹ năng cứng thường được giảng dạy trên lớp, kỹ năng mềm không thể được cấp bất kỳ chứng chỉ nào để giám định và đo lường khả năng của một người về việc họ có thể hiện kỹ năng mềm đó tốt hay không.

Kỹ năng mềm vô cùng quan trọng, đa số ý kiến đều cho rằng chúng chiếm phần lớn (70 – 75%) trong nguyên nhân thành công hoặc thất bại của bất kỳ ai. Tuy nhiên, ở hầu hết các cấp học, những kỹ năng mềm dường như chỉ là yếu tố phụ trợ chứ chưa được chú trọng quá nhiều.

Kỹ năng cứng được dạy trên các lớp học, nguyên nhân là bởi chúng là những kiến thức liên quan đến công việc và có thể học được thông qua tài liệu sách vở. Song, kỹ năng mềm dù có được viết thành sách đi chăng nữa, chúng đòi hỏi sự kiểm chứng từ thực tế để biết được rằng liệu một người có thuần thục kỹ năng đó hay không. Xây dựng cho mình những kỹ năng mềm cần thiết sẽ giúp bạn dễ dàng có được thành công, nhất là những kỹ năng được nhắc đến sau đây.

2. Những kỹ năng mềm nhất định phải học

2.1. Làm việc nhóm 

kỹ năng mềm
Làm việc nhóm là kỹ năng mềm quan trọng

Làm việc nhóm là kỹ năng mềm tối quan trọng bạn bắt buộc phải học. Nói đến làm việc nhóm, một số người thường chỉ nghĩ đến sự cùng ngồi làm việc chung một bàn của một nhóm người, còn trong đó việc ai nấy làm. Cách hiểu này là chưa chuẩn xác cho kỹ năng quan trọng bậc nhất này.

Lợi ích lớn nhất của kỹ năng làm việc nhóm chính là tạo nên sức mạnh tập thể từ sự hợp sức của một cá nhân riêng lẻ, mục tiêu của nhóm thường là một mục tiêu lớn, mà nếu tách ra thì mỗi thành viên không thể nào hoàn thành được. Các công việc trong nhóm được phân chia cho từng thành viên, dựa trên thế mạnh mà bản thân họ có. Bên cạnh đó, khi làm việc nhóm cần có một tinh thần đồng đội tương trợ lẫn nhau.

Làm việc nhóm là một kỹ năng mềm bắt buộc từ những năm đầu của bậc đại học trở về sau. Nhất là khi bạn ra trường và tìm việc làm ở một công ty nào đó. Nhân viên trong những công ty không bao giờ làm việc riêng lẻ, với những công ty càng cao, thì họ càng cần nhiều sức mạnh từ đội nhóm.

Làm việc nhóm không phải tự nhiên là có thể thực hiện thuần thục được. Việc thành công hay thất bại của cả nhóm không chỉ là năng lực của mỗi thành viên, mà còn do tinh thần đồng đội của nhóm mạnh yếu thế nào. Những người làm việc chung một nhóm không cần phải có tính cách giống nhau, mà trái lại, họ được khuyên rằng nên có những tính cách trái ngược nhau. Chỉ khi đó, họ mới có cái nhìn đa chiều về một vấn đề, tránh được sự chủ quan từ một góc nhìn và có thể đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.

Không phải tự nhiên mà ông cha ta có câu “Một cây làm chẳng lên non – Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nếu bạn trong một nhóm làm việc, bạn nhất định phải hết mình và cực kỳ nghiêm túc. Thành công của bạn là thành công của nhóm, lợi ích của bạn là lợi ích của nhóm, mất mát của bạn là mất mát của nhóm. Phải nghĩ được như thế thì kỹ năng mềm này mới phát huy được lợi ích tối đa, mang đến sức mạnh chinh phục mọi thử thách.

2.2. Giao tiếp

kỹ năng mềm
Giao tiếp là kỹ năng mềm quan trọng

Nghệ thuật giao tiếp hay có thể nói là kỹ năng thuyết trình. Đây là một trong các kỹ năng mềm quan trọng cần có nếu bạn muốn thành công. Không chỉ trong công việc mà ngay trong cả đời sống hàng ngày, giao tiếp là phương tiện căn bản nhưng quan trọng nhất được sử dụng. Chính vì được sử dụng rộng rãi như thế, ít ai nghĩ đây lại là một kỹ năng mềm có sức mạnh to lớn đến không tưởng. 

Trong quyển sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”, tác giả Trác Nhã đã thông qua nghệ thuật giao tiếp của những người nổi tiếng như tổng thống Lincoln, Steve Jobs, Bill Gates,.. trong việc giải quyết các vấn đề, nhất là vấn đề nơi công sở để từ đó khái quát về sức mạnh của nghệ thuật giao tiếp.

Lời nói mang một sức mạnh phi thường mà chúng ta không thể nào kiểm soát hết được. Sức mạnh của lời nói đã được chứng minh thông qua nhiều câu chuyện thực tế. Lời nói của bạn có thể khơi gợi ý chí nghị lực hay niềm tin ở một người khác, đồng thời cũng có thể dập tắt đi những hi vọng mong manh của họ. Lời hay ý đẹp của bạn có tác dụng chữa lành cho tâm hồn một người, ngược lại những lời mang tính đả khích sẽ làm người khác tổn thương nghiêm trọng.

Giao tiếp không chỉ là một kỹ năng mềm quan trọng, nó còn là cả một nghệ thuật mà dường như chỉ học qua sách vở là không bao giờ có thể lột tả hết. Ông bà ta luôn dạy rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Giao tiếp giỏi giúp bạn mở rộng những mối quan hệ, truyền tải những giá trị tích cực từ đó khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

2.3. Khám phá bản thân

kỹ năng mềm
Khám phá bản thân là kỹ năng mềm quan trọng

Bạn có dám chắc rằng bạn thực sự hiểu được bản thân mình? Bạn có thể kiểm tra đáp án của câu hỏi này bằng cách tự xem lại liệu bạn có nắm rõ mọi điểm mạnh và điểm yếu của bản thân không? Bạn có chắc rằng mình yêu thích việc bạn đang làm không? Bạn có biết được mình sẽ đi đến đâu trong một giai đoạn tương lai nhất định không?

Nếu bạn có thể trả lời được tất cả những câu hỏi trên thì xin chúc mừng, bạn là người hiểu rất rõ bản thân mình. Bởi chỉ những người hiểu mình thì mới biết mình muốn đi đến lâu, muốn làm gì, mình cần đặt mục tiêu dựa trên điểm mạnh và điểm yếu như thế nào. Còn nếu bạn vẫn chưa xác định được, thì đừng lo lắng, bởi khám phá bản thân là một hành trình dài và vất vả, nhưng đồng thời cũng là một kỹ năng mềm có thể rèn luyện được.

Việc nắm được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không dễ dàng chút nào. Nhiều người phải mất rất rất nhiều thời gian để xác định chuẩn xác 2 khái niệm cốt lõi này trong năng lực của bản thân. Nắm chắc điểm mạnh và điểm yếu của bản thân giúp một người luôn luôn tự tin khi đảm nhận một nhiệm vụ, đồng thời họ biết được bản thân có thể và không thể làm được điều gì, tạo nên sự chắc chắn trong tâm trí những người xung quanh.

Tìm hiểu đam mê của bản thân thì càng quan trọng. Bạn dường như chỉ có thể làm việc mà không thấy bị áp lực chỉ khi đó là công việc bạn yêu thích. Và chỉ khi sống với đam mê của bản thân thì bạn mới có thể thỏa sức cống hiến hết mình mà không bao giờ bạn kiệt năng lượng. Ngược lại, được sống với điều mình khát khao sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê trong bạn càng thêm cháy bỏng, cho bạn bức phá khỏi mọi giới hạn và chinh phục những điều phi thường.

“Điều khó hiểu nhất trong những điều khó hiểu chính là hiểu mình”, bởi thế nó cũng mang đến cho những ai làm được một sự đền đáp xứng đáng. Hãy rèn luyện kỹ năng mềm này càng sớm càng tốt, bởi càng hiểu bản thân mình sớm, thì bạn càng sớm thấy được con đường mà mình nên đi.

2.4. Kỹ năng mềm giải quyết vấn đề

kỹ năng mềm
Giải quyết vấn đề là kỹ năng mềm quan trọng

Vấn đề là những điều không mong muốn xảy ra trong cuộc sống chúng ta và mang đến những tác động tiêu cực. Một vấn đề nếu không giải quyết, hoặc giải quyết không triệt để sẽ trở nên ngày càng phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nặng nề hơn, bởi thế rèn luyện cho bản thân mình kỹ năng mềm về giải quyết vấn đề là một điều vô cùng cần thiết.

Không chỉ trong công việc, mà trong việc giao tiếp, đi lại, ăn uống hay sinh hoạt, các vấn đề đều có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Vấn đề có thể tác động đến bạn thế nào, mạnh hay yếu, nhanh hay lâu là phụ thuộc vào năng lực giải quyết vấn đề của riêng bạn.

Để giải quyết vấn đề thường luôn có nhiều hơn một cách, tuy nhiên, nếu muốn tìm ra được cách thức tối ưu, giúp tối thiểu hóa thời gian và công sức sử dụng, thì bạn phải thử qua tất cả những cách đó. Nếu không muốn phải thử hết những giải pháp mà có thể xác định được giải pháp tốt nhất, thì bạn nên xây dựng cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề.

Kỹ năng mềm về giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn xem xét vấn đề một cách toàn diện, đồng thời dựa trên kỹ năng này mà bạn có thể xây dựng cho mình các giải pháp tối ưu, cũng như quá trình thực hiện, giám sát và đánh giá tính hiệu quả của giải pháp đó. Giải quyết được vấn đề sẽ giúp bạn giảm thiểu các áp lực trong cuộc sống, nhất là các áp lực liên quan đến công việc.

2.5. Tiếp nhận lời phê bình

kỹ năng mềm
Tiếp nhận lời phê bình là kỹ năng mềm quan trọng

Kỹ năng mềm quan trọng trong việc phát triển bản thân mà bạn không thể bỏ qua chính là kỹ năng tiếp nhận lời phê bình. Đây không chỉ là kỹ năng mềm giúp bạn cải thiện kỹ năng lắng nghe mà thông qua đó còn mang lại cho bạn những góp ý đáng giá nhằm giúp bạn những điểm chưa hoàn hảo của bản thân.

Nếu chỉ là kỹ năng lắng nghe và đúc kết thì vì sao nó lại quan trọng như vậy? Không đơn giản thế đâu, kỹ năng mềm này không đơn thuần chỉ nói đến sự đúc đến qua những lời nhận xét, mà còn qua cả những lời phê bình hay chê bai đối với phần công sức mà bạn đã bỏ ra.

Cái khó ở kỹ năng mềm này chính là bạn phải học cách giữ bình tĩnh, biết nhìn nhận cái sai và phá vỡ cái tôi của mình để trở nên trưởng thành hơn. Trong cuộc sống đi làm sau đại học, bạn sẽ không còn cơ hội được bất kỳ ai chỉ dạy tận tình nữa, mà chỉ có thể học từ những trải nghiệm thực tế và sai lầm của bản thân. Vậy nên, tiếp nhận lời phê bình là kỹ năng mềm quan trọng mà bạn nên học và luôn nhớ lấy câu “khách hàng khó tính nhất chính là cơ hội tốt nhất cho bạn cải thiện bản thân mình”.

3. Lời kết


Nếu bạn không rèn luyện những kỹ năng mềm này, không có nghĩa rằng bạn sẽ thất bại, nhưng nếu bạn chịu khó khổ luyện chúng, đường đến thành công của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chúc bạn sẽ luôn vui khỏe và thành công trong cuộc sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây