Tự Ti Là Gì Và Làm Gì Để Giúp Trẻ Thoát Khỏi Sự Tự Ti?

0
1908

Tự ti là sự tự đánh giá thấp bản thân, tự cho rằng bản thân kém cỏi hơn người khác, từ đó khiến bản thân trở nên e dè, nhút nhát. Sự ti có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, thế nên nó cần được phát hiện sớm và giải quyết một cách triệt để.

1. Tự ti là gì

1.1 Khái niệm về sự không tự tin

Tự ti nhìn chung chính là việc tự xem thường và đánh giá thấp bản thân so với người khác, thường là về mặt tâm lý hoặc thể chất. Tự ti có thể chia làm nhiều mức độ tùy theo sự tác động của nó đối với tâm lý của trẻ.

Quá khiêm tốn: khiêm tốn là tốt, tuy nhiên quá khiêm tốn thì lại là chuyện khác. Những người tự ti thường khiêm tốn một cách quá mức và không cần thiết. Khi họ được khen, họ không dám nhận mình xứng đáng với lời khen đó, dù sự thật họ đã bỏ qua nhiều công sức và tâm huyết để tạo ra thành quả.

Tự đánh giá mình kém cỏi so với người khác: Những người tự ti phần lớn là nằm trong nhóm này. Họ thiếu đi niềm tin vào bản thân và luôn nghĩ rằng những gì mình có không đáng là gì so với những người khác, đặc biệt là khi thấy có ai đó tốt hơn mình về khía cạnh đó. 

Tự coi thường, quở trách và nói xấu bản thân: đây là mức độ cao nhất của sự tự ti. Nói xấu bản thân xuất phát từ việc chán ghét bản thân. Việc này thường thấy ở những người tự ti trong suốt nhiều năm. Họ dường như từ bỏ mọi hi vọng để cải thiện bản thân và luôn luôn cho mình là một kẻ thua kém người khác.

tự ti
Tự ti là vấn đề thường thấy ở trẻ

1.2 Sự tự ti thường xuất hiện ở trẻ vị thành niên

Tự ti thường bắt đầu xuất hiện ở những năm đầu của cấp hai, khi mà trẻ đã có những nhận biết cơ bản về bản thân cũng như môi trường xung quanh. Nếu trong giai đoạn này không được phát hiện kịp thời, nó sẽ phát triển lên các cấp độ cao hơn và gây ra ảnh hưởng nặng nề hơn đến sự phát triển của trẻ ở những năm tháng sau.

2. Biểu hiện của tự ti

Trẻ tự ti thường có những biểu hiện thường gặp sau đây:

tự ti
Biểu hiện của sự tự ti

2.1 Thường so sánh bản thân với người khác

Trẻ tự ti sẽ hay nói về người khác và nhìn nhận những thành quả của họ theo cách tích cực, đồng thời, lại suy nghĩ và có những bình luận tiêu cực về thành quả của chính bản thân mình. Những thành quả này có thể là về vẻ bề ngoài hoặc những kết quả, giải thưởng đạt được.

2.2 E dè, nhút nhát

Trẻ tự ti sẽ luôn luôn nhút nhát, biểu hiện này thường gặp ở những trẻ có khuyết điểm về mặt ngoại hình. Đối tượng thường thấy của nhóm này thường là các bạn thấp còi và sự e dè của các bạn sẽ dễ thấy nhất thông qua các lớp học về thể dục hoặc các bộ môn đòi hỏi nhiều sự vận động.

2.3 Không dám bày tỏ ý kiến

Trẻ tự ti thường không chắc chắn về suy nghĩ của mình, mặc dù có nhiều bạn cực kỳ thông minh. Các bạn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa ra ý kiến hay trả lời một câu hỏi nào đó. Nhưng nếu được hỏi đến, các bạn luôn có đáp án chính xác cho câu hỏi.

2.4 Chịu đựng

Sự ngoan ngoãn vâng lời là tốt, nhưng đôi lúc nó là vẻ ngoài tốt để che đậy sự tự ti trong bản thân trẻ. Trẻ thường tuân theo tất cả yêu cầu được đưa xuống, và làm theo yêu cầu đó dù có cảm giác khó chịu hoặc không hợp lý. Và dĩ nhiên, chúng sẽ không lên tiếng một khi bản thân vẫn còn sức chịu đựng

2.5 Không hòa nhập

Trẻ tự ti thường luôn tìm cho mình một không gian riêng, hoặc cố gắng giấu mình vào một nơi nào đó. Trẻ cũng hạn chế sự tiếp xúc với các bạn khác, đôi lúc việc này khiến chúng tự cô lập mình khỏi lớp học và phải chịu những cái nhìn không có thiện cảm từ phía bạn bè.

3. Tác hại của tự ti

3.1 Ảnh hưởng tâm lý nặng nề

Tự ti ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất là về mặt tâm lý. Những đứa trẻ trong nhóm này thường sẽ từ bỏ hi vọng về bản thân, luôn cảm thấy áp lực và mệt mỏi vì cảm thấy mình cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ so với người khác. Bên cạnh đó, việc này thường khiến trẻ che giấu bản thân, không dám bày tỏ tâm sự với ai, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm hay các biến chứng tâm lý khác.

tự ti
Tự ti ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ

3.2. Luôn sống trong sự khó chịu

Trẻ tự ti luôn luôn so sánh bản thân với người giỏi hơn và cảm thấy buồn tủi về sự so sánh đó. Vì sự hiểu biết ở các em thường vẫn còn hạn chế, các em không thể có cái nhìn tổng quát nên đánh giá sai lệch về khả năng của bản thân. Chỉ cần các em có một điểm nào đó chưa tốt bằng người khác, các em lập tức nghĩ rằng tất cả những điểm khác cũng như thế.

tự ti
Tự ti khiến trẻ luôn lo nghĩ

3.3. Mất cơ hội vì thiếu bản lĩnh

Tự ti ở những trẻ lớn hơn còn ảnh hưởng đến cả cuộc sống và sự thăng tiến trong học tập và sự nghiệp. Sẽ không ai dám tin tưởng để giao phó các trọng trách lớn lao cho một người mà chính họ cũng không dám tin vào bản thân mình. Những người này dĩ nhiên cũng thiếu đi sự bản lĩnh cần có, mặc dù sự thật họ có thể đảm nhận tốt trọng trách, nhưng họ không biết làm cách nào để người khác có thể nhìn thấy điều đó.

tự ti
Tự ti khiến trẻ mất đi cơ hội

4. Nguyên nhân của sự tự ti

Nguyên nhân của sự tự ti chỉ một số ít là đến từ chính bản thân của trẻ, phần lớn là do các yếu tố môi trường xung quanh, nhất là bạn bè, thầy cô và cả gia đình. Một đứa trẻ khi bị bạn bè chê bai về điều này điều nọ sẽ dễ khiến chúng nghĩ rằng mình thua kém bạn bè. 

Trẻ mặc cảm không tự tin cũng ít khi thể hiện mình trong lớp học thế nên cũng nhận được ít sự chú ý hơn. Đồng thời, các bạn học giỏi của lớp thường sẽ được thầy cô yêu thương và khen ngợi nhiều hơn, điều này lại vô tình làm dấy lên sẽ nghĩ về sự yếu kém của bản thân đối với các bạn.

Yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự tự ti của trẻ chính là gia đình. Trẻ không tự tin thường cần được chia sẻ và động viên. Tuy nhiên, các gia đình với bố mẹ bận rộn thường không thể làm tốt điều này. Ở một số gia đình, bố mẹ thậm chí còn luôn so sánh con mình với con người khác, dù những đứa trẻ trong các gia đình này vô cùng giỏi giang. Bố mẹ có thể khích lệ con để phấn đấu nhiều hơn, nhưng nếu làm điều đó bằng cách so sánh, thì không phải là lựa chọn đúng đắn.

tự ti
Mối liên hệ giữa gia đình và sự tự ti

5. Biện pháp giúp con thoát khỏi sự tự ti

Tự ti nếu được phát hiện càng sớm thì càng dễ hạn chế tác động của chúng, cũng như ít khó khăn hơn trong việc giải quyết chúng một cách triệt để. Dưới đây là những cách mà bạn nên áp dụng nếu con bạn đang gặp phải khó khăn với sự không tự tin.

5.1. Khuyến khích con chia sẻ cùng mình

Trẻ tự ti luôn sợ bản thân bị đánh giá là kém cỏi hay yếu đuối hơn người khác. Vì vậy, nếu không may chúng gặp một vấn đề gì trong cuộc sống, chúng sẽ rất ngại chia sẻ với bất kỳ ai. Bạn hãy trở thành một người bạn của con mình, chậm rãi bước vào thế giới nội tâm của con.

Hãy luôn luôn nhấn mạnh rằng bạn sẵn sàng lắng nghe con mọi lúc, sẽ luôn bao dung cho con dù chúng có điểm nào chưa tốt và sẽ đồng hành cùng con. Vì không tự tin luôn đi kèm với sợ hãi, trẻ thường luôn che giấu tâm sự sau vẻ bề ngoài ngây thơ của chúng. Bạn cần nhiều thời gian để dần thấu hiểu và cảm nhận vấn đề của con, sau đó mới lên kế hoạch giúp con thoát khỏi sự tự ti.

tự ti
Khuyến khích trẻ tự ti chia sẻ cùng bạn

5.2. Lên kế hoạch giúp con thoát khỏi sự tự ti

Trẻ tự ti thường có ít bạn bè vì không dám bày tỏ cùng ai, vì vậy chính bạn hãy là người đồng hành cùng trẻ. Hãy thiết kế cho con mình một kế hoạch chi tiết giúp chúng dần cải thiện bản thân và thoát khỏi sự tự ti vốn có.

Nếu con bạn tự ti về ngoại hình, hãy lên một kế hoạch để cải thiện ngoại hình cho con với chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ và luyện tập hợp lý. Hãy luôn đồng hành cùng con để chúng không cảm thấy lẻ loi trên hành trình dài đầy vất vả. Còn nếu con bạn tự ti vì chúng có kết quả học tập kém hơn các bạn, hãy lên kế hoạch học tập giúp con. Đồng thời, điều quan trọng là hãy công nhận những công sức mà chúng đã bỏ ra để cố gắng trở thành một người tốt hơn.

tự ti
Lên kế hoạch vượt qua sự tự ti cùng con

5.3. Luôn động viên con

Hãy nói với con rằng chúng xứng đáng để được nghe những lời khen tặng từ mọi người. Miễn đó là những cố gắng của con thì không việc gì chúng phải ngại ngùng khi nghe thấy những điều đó cả. Đó không phải là cái gì quá to tát, mà là sự công nhận của tất cả mọi người dành cho chúng, không cần thiết phải e dè quan ngại về bản thân mình.

Hãy bày tỏ thái độ ủng hộ con và lắng nghe ý kiến của con, đồng thời khuyến khích con nói lên ý kiến của mình. Hãy cho con biết rằng một vấn đề sẽ có nhiều góc nhìn, quan điểm của con chưa hẳn là sẽ là một quan điểm sai, mà là một góc nhìn khác biệt. Hãy nói với con rằng chúng không cần phải cảm thấy tội lỗi vì có một góc nhìn khác với mọi người, miễn là nó không sai lệch với quy chuẩn của xã hội. Với sự đồng hành cùng con, bạn sẽ giúp con thoát khỏi sự tự ti sớm thôi.

tự ti
Luôn động viên giúp con vượt qua sự tự ti

5.4. Kể về bản thân như một ví dụ

Lời nói của bố mẹ luôn có tác động mạnh nhất đến con, vì vậy hãy kể những câu chuyện về cách vượt qua sự tự ti, nơi mà trong đó bạn là nhân vật chính. Điều đó khiến câu chuyện kể không còn là những lý thuyết trống không, mà nó là một thực tế ngay trước mắt chúng. Chúng sẽ có lại niềm tin rằng bản thân mình cũng sẽ vượt qua được như bố mẹ chúng đã từng.

Mặt khác, hãy khuyến khích con trải nghiệm nhiều hơn. Hãy nói cho con nghe về những tiếc nuối mà bạn đã gặp phải chỉ vì sự tự ti mà không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Hãy nói với chúng bạn cũng từng có những sai lầm, những yếu kém, nhưng những thứ đó không quyết định bạn sẽ trở thành người thế nào. Hãy mở rộng tầm nhìn cho chúng, và động viên chúng bằng những điểm mạnh khác của bản thân để chúng có cái nhìn tích cực về những gì mà mình đang sở hữu.

Kể về bản thân như một ví dụ về sự tự ti

Việc loại bỏ sự tự ti cần một thời gian nhất định và sự kiên trì đến cùng. Hãy đồng hành cùng con trên chặng đường đầy gian nan này bạn nhé!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây