Ung Thư Là Gì Và Nguyên Nhân Vì Sao Ung Thư Khó Chữa?

0
1150

Không ai mà không cảm thấy “rợn người” khi nghe nhắc về căn bệnh ung thư, căn bệnh được cho là “vô phương cứu chữa”. Dù y học hiện đại đã phát triển vượt bậc, nhưng nó vẫn là một căn bệnh nan giải. Vậy ung thư là gì và vì sao mà nó khó chữa trị đến vậy?

1. Ung thư là gì?

Ung thư là một khái niệm đại diện cho một nhóm các căn bệnh liên quan đến sự tăng trưởng bất thường, không có tổ chức hoặc mất kiểm soát của các tế bào. Các tế bào này đồng thời có thể phát triển và xâm lấn sang các mô lân cận, hoặc di chuyển xa hơn đến các cơ quan khác (quá trình này được gọi là di căn).

Chúng ta đều biết đơn vị cấu tạo nhỏ nhất của cơ thể chính là tế bào. Các tế bào liên kết với nhau tạo thành mô, các mô tạo thành cơ quan và các cơ quan sẽ tạo nên chúng ta. Trong quá trình phân chia và nhân đôi của tế bào, các đột biến có thể xảy ra và các tế bào đột biến sẽ “cư xử” một cách bất thường.

Các tế bào này tiếp tục phân chia mà không hề tuân theo các quy tắc của cơ thể, đồng thời quá trình phân chia trở nên không thể kiểm soát, từ đó hình thành các khối u. Khi các khối u này có được điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển và tấn công các mô bên cạnh, chúng gây ra căn bệnh nguy hiểm chết người là ung thư.

2. Vì sao ung thư khó chữa trị

2.1. Ung thư không phải là một căn bệnh cụ thể

Trước hết, chúng ta nên hiểu rõ rằng, ung thư là một khái niệm đại diện cho các bệnh có liên quan đến sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào, chứ nó không phải là một căn bệnh cụ thể. Tuy được gọi dưới dạng một khái niệm ngắn gọn, ung thư bao gồm vô số các vấn đề liên quan đến bộ gen con người. Vì vậy, sự diễn biến và cách chữa trị đối với mỗi người là khác nhau, nhưng nhìn chung là rất khó khăn.

ung thư là gì
Ung thư không phải là một căn bệnh cụ thể

Trong bất kỳ cơ quan nào của cơ thể, sự đột biến có thể diễn ra mà không hề có sự báo trước. Điều này đồng nghĩa với việc rằng tế bào ung thư có thể hình thành tại bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, từ đó gây ra bệnh. Bên cạnh đó, tế bào ung thư còn có thể xâm lấn các mô hoặc các cơ quan lân cận, tạo ra quá trình di căn khiến bệnh trở nặng mà ảnh hưởng đến nhiều cơ quan cùng lúc.

2.2. Ung thư sinh ra từ đột biến gen

Có thể nói, nguồn gốc xuất phát của căn bệnh ung thư chính là đột biến gen trong cơ thể của một con người. Các tế bào trong cơ thể đều chứa các gen, và trong số đó, 2 loại gen có liên quan mật thiết đối với căn bệnh ung thư là gen sinh ung (proto oncogene) và gen ức chế khối u (tumor suppressor gene). 

Ở điều kiện bình thường, gen sinh ung kích thích việc sinh trưởng tế bào để đảm bảo sự phát triển bình thường của cơ thể, tuy nhiên chúng sẽ dừng lại ở một mức nhất định. Đột biến xảy ra ở gen sinh ung khiến cho tế bào liên tục phân chia và nhân rộng và việc này hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ thể. Sự tăng sinh này hình thành các khối u và dẫn đến ung thư.

Gen ức chế khối u ở điều kiện bình thường có chức năng ra hiệu cho tế bào ngừng phân chia khi không cần thiết, tuy nhiên, khi bị đột biến, các gen này trở nên bất hoạt và chúng không thể thực hiện tốt vai trò của mình. Hậu quả là quá trình phân chia tế bào không được ra hiệu dừng lại và từ đó hình thành khối u dẫn đến ung thư. 

ung thư là gì
Ung thư xuất phát từ đột biến gen

Và chúng ta đều biết rằng, bộ gen của mỗi người là duy nhất, sẽ không có ai có bộ gen hoàn toàn giống với ai. Vì vậy mà một căn bệnh xuất phát từ đột biến gen như ung thư cũng sẽ có những biểu hiện và mức độ khác nhau đối với từng cá nhân khác nhau. Cùng là một căn bệnh ung thư phổi, thế nhưng ở mỗi người bệnh nhân khác nhau, những đặc điểm của bệnh cũng hoàn toàn khác nhau.

Vì thế có thể nói căn bệnh này cũng mang tính “cá biệt”, điều này dẫn đến một sự thật rằng một loại thuốc có hiệu quả chữa trị cho ung thư của một người, không có nghĩa rằng nó sẽ có tác dụng y hệt đối với cùng căn bệnh ung thư ở một người khác.

2.3. Khối u ung thư phát triển không đồng nhất 

Chúng ta thường nghĩ đến cách chữa trị ung thư như một biện pháp chuẩn hóa có thể áp dụng lên bất kỳ cá nhân nào không may mắc phải căn bệnh này, tuy nhiên mọi chuyện không hề đơn giản như thế. Nếu mỗi khối u đều hoạt động giống nhau, chúng ta sẽ có thể, nhưng sự thật đáng buồn chính là mỗi khối u hoạt động theo cách của riêng chúng.

Chúng ta dường như chưa đủ khả năng để dự đoán hết được với mỗi loại khối u ở từng người và từng loại bệnh ung thư sẽ phát triển như thế nào. Bởi tính không có quy tắc này, việc tìm ra một loại thuốc để chữa trị cho ung thư nói chung, thậm chí là một loại ung thư nói riêng vẫn là không khả thi.

ung thư là gì
Khối u ung thư phát triển không đồng nhất

Các khối u này ngoài sự phát triển khó lường, còn có khả năng “chống lại” các tác động mà chúng ta thực hiện lên chúng. Từ một loại khối u ban đầu, chúng có thể biến đối thành nhiều loại khối u có đặc tính khác biệt, dẫn đến việc những loại thuốc đôi khi chỉ có tác dụng với một loại khối u ung thư, ngoài ra không thể tác động đến các loại khác. Điều này giống như cơ chế “kháng thuốc” mà chúng ta thường biết đến.

2.4. Các biện pháp chữa trị ung thư chưa tối ưu

Các biện pháp chữa trị ung thư không phải không mang tính khả thi, mà là chúng không thực sự là lựa chọn tối ưu, chỉ được dùng đến như các “biện pháp cuối cùng”. Hiện tại, những phương pháp chữa trị căn bệnh này phổ biến nhất là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu.

Đối với mỗi loại bệnh ung thư khác nhau, người ta có thể áp dụng những phương pháp khác nhau để điều trị nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời hạn chế những rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung là dù cho áp dụng biện pháp nào đi chăng nữa, bản thân người bệnh vẫn phải chịu những tổn thất nhất định trong quá trình chiến đấu để loại bỏ tế bào quái ác ra khỏi cơ thể.

Đối với các khối u ung thư mới hình thành hoặc với kích thước nhỏ, việc phẫu thuật để loại bỏ chúng là điều nên làm. Việc này giúp ngăn chặn sự tấn công của khối u sang các mô lân cận, hạn chế sự phát triển của bệnh, giúp bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, đôi lúc việc này khiến bệnh nhân phải mất đi một phần cơ thể, để lại những ám ảnh về tâm lý.

Khi tế bào ung thư phát triển nhanh và lan rộng trong một bộ phận, xạ trị có thể được áp dụng để đẩy lùi các biểu hiện của bệnh. Biện pháp này được thực hiện bằng cách chiếu tia X mang mức năng lượng cao vào các tế bào ung thư giúp phá hủy chúng trước khi chúng phát triển và xâm lấn các mô hay cơ quan khác. 

Hóa trị liệu thường được áp dụng đối với những dạng ung thư trải đều khắp cơ thể, như ung thư máu là một ví dụ điển hình. Các hóa chất sử dụng cho trị liệu sẽ được truyền vào cơ thể để tác động đến các gen hoặc quá trình nhân lên của tế bào. Tuy nhiên, cũng giống như xạ trị, biện pháp này cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến cả những tế bào không mang bệnh, gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.

ung thư là gì
Chưa có cách trị ung thư tối ưu

Một người sử dụng biện pháp xạ trị hoặc hóa trị liệu để điều trị ung thư thường sẽ có những biểu hiện liên quan đến rụng tóc, lão hóa da, các vấn đề về tiêu hóa, cảm giác mệt mỏi… Hơn nữa sau quá trình điều trị, sức khỏe của người bệnh có thể phục hồi như ban đầu hay không thì không ai có thể nói chắc.

3. Cách tốt nhất để đối mặt với ung thư

Thật không may cho chúng ta là việc xử lý triệt để và gọn lẹ căn bệnh ung thư dường như là điều chưa thể ở hiện tại. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng nếu biết cách chăm sóc sức khỏe đúng cách. Câu nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” có lẽ sẽ phát huy hết ý nghĩa trong trường hợp này. Một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo để phòng căn bệnh này như là:

  • Khám sức khỏe định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ nói chung, cũng như tầm soát ung thư nói riêng là một việc làm mà bạn không nên bỏ qua. Dù là căn bệnh phức tạp, ung thư cũng phát triển từ mức độ nhẹ cho đến nặng, việc phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh giúp bạn hạn chế được nhiều tổn thương cho cơ thể, đồng thời việc điều trị cũng trở nên dễ dàng hơn, đảm bảo việc phục hồi sau điều trị. Hãy luôn chú ý đến các biểu hiện của cơ thể, nếu có dấu hiệu bất thường mà không rõ nguyên nhân, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
  • Hạn chế tiêu thụ chất kích thích: Lối sống lành mạnh giúp bạn hạn chế những tổn thương có thể xảy ra với bộ gen của mình. Việc uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng nhiều chất kích thích khác làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư đối với cơ thể.
  • Thái độ sống tích cực và lạc quan: “Cười vui, sống khỏe” tưởng chừng chỉ là câu nói cho vui, nhưng thực chất mang nhiều ý nghĩa trong thực tế. Tinh thần thoải mái giúp bạn đẩy lùi nhiều bệnh tật. Ngược lại, stress hoặc mệt mỏi quá mức khiến bạn trở nên dễ “tổn thương” trước nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư.
  • Vận động thường xuyên: Việc luyện tập đều đặn giúp bạn nâng cao sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần. Bạn không cần phải luyện tập như các vận động viên để phòng bệnh ung thư đâu, chỉ cần luyện tập các bài tập thể dục vừa sức ngay tại nhà là đã đủ rồi đấy.
  • Bảo vệ bản thân khỏi các tác động xấu từ môi trường: Hãy chủ động ý thức được sự nguy hiểm từ các tác nhân bên ngoài bạn nhé, khói bụi ô nhiễm cũng như ánh nắng mặt trời cũng là một trong các nguyên nhân khiến bạn dễ mắc bệnh đấy.
ung thư là gì
Xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa ung thư bạn nhé!

Hi vọng bài viết đã mang đến cho bạn thông tin hữu ích, giúp bạn hiểu được ung thư là gì cũng như vì sao mà nó trở thành một căn bệnh “khó nhằn” như thế. Nếu bạn còn thắc mắc điều gì hoặc biết điều gì hay liên quan đến căn bệnh này, hãy để lại bình luận bên dưới cho mọi người cùng biết nhé. Chúc bạn luôn vui khỏe và thành công! 

Xem thêm:

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây